Cùng suy ngẫm

Phát huy hiệu quả các công trình hầm, cầu vượt bộ hành

Hiện nay, tại thành phố Hà Nội đang có khoảng 70 cầu vượt bộ hành cùng 23 hầm đi bộ tại các nút giao thông đông đúc, khu vực gần bệnh viện, trường học, bến xe nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ, giảm ùn tắc, tai nạn, giúp kết nối giao thông đô thị thuận tiện hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu vượt bộ hành trên phố Nguyễn Chí Thanh.
Cầu vượt bộ hành trên phố Nguyễn Chí Thanh.

Bên cạnh một số hầm, cầu bộ hành đang phát huy tốt vai trò của mình, cũng có những hầm, cầu bộ hành lại không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí. Khi được hỏi thì “tiện” là lý do chủ yếu được nhiều người đưa ra để giải thích cho việc qua đường mà không sử dụng các công trình này.

Thực tế tại cầu vượt bộ hành trên đường Giải Phóng trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có cả nghìn lượt người đi bộ sử dụng cầu mỗi ngày do có đầy đủ mái che, tấm chắn; nhưng cũng với cầu bộ hành trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), gần như không phát huy được hiệu quả, chỉ lác đác một vài người sử dụng do phần lớn đều tranh thủ “đi tắt”, trèo qua rào chắn hoặc tận dụng đoạn đường không có rào chắn để di chuyển qua đường nhanh chóng hơn.

Không ít lần, cả dòng phương tiện bị ùn tắc cục bộ chỉ vì vài người bất chấp nguy hiểm băng cắt qua đường. Chung cảnh ngộ, nhiều hầm chui bộ hành trên đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến (Hà Nội), có thời điểm đơn vị quản lý phải “cửa đóng, then cài” vì gần như không có người sử dụng.

Theo các chuyên gia giao thông, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó, thói quen của người đi bộ hiện nay là nguyên nhân chính. Có lẽ do chưa có tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến người đi bộ, nên nhiều người vẫn chủ quan, dù những chiếc cầu, hầm bộ hành chỉ cách nơi qua đường vài chục bước chân.

Các chế tài xử lý người đi bộ đi sai luật đã có, với mức phạt 60-100 nghìn đồng, nhưng đến nay mọi việc vẫn “đâu vào đấy”, hầu như chưa từng có trường hợp nào bị xử phạt. Hiện một số cầu bộ hành còn không có mái che, cao khoảng 5-6 mét với đường dẫn lên và xuống có độ dốc lớn khiến cho việc di chuyển qua đường tốn gấp 2 lần quãng đường và nhiều công sức (do lên cầu thang) nên nhiều người ngại, nhất là người cao tuổi và họ sẵn sàng chọn lối băng trực tiếp qua đường dù nguy hiểm.

Bên cạnh một số hầm, cầu bộ hành đang phát huy tốt vai trò của mình, cũng có những hầm, cầu bộ hành lại không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí. Khi được hỏi thì “tiện” là lý do chủ yếu được nhiều người đưa ra để giải thích cho việc qua đường mà không sử dụng các công trình này.

Còn với các hầm bộ hành, mặc dù trong hầm có đủ đèn điện, vệ sinh khá sạch sẽ nhưng nhiều đoạn sắt bị hoen gỉ, không thấy người trông coi, vào giờ cao điểm nhưng hầm rất vắng vẻ; thậm chí còn bị biến thành nơi trú ngụ của người vô gia cư, hoặc thành nơi bán trà đá, nơi tụ tập gây mất an ninh trật tự cho nên khiến người dân thấy bất an khi sử dụng. Vì vậy, ngại “phiền toái” và nỗi lo sợ gặp đối tượng xấu của khách bộ hành còn lớn hơn nỗi lo sợ khi băng qua đường cũng là nguyên nhân khiến nhiều người e ngại hầm bộ hành.

Hầm, cầu bộ hành là rất cần thiết nhưng việc lựa chọn vị trí xây dựng phù hợp, bảo đảm an ninh trật tự chung quanh là vấn đề cần tính toán lại. Thực tế hiện nay, cơ quan quản lý hầu như chỉ tập trung vào việc thực hiện dự án và coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, chưa có sự đánh giá hiệu quả để tính toán điều chỉnh công năng cho phù hợp.

Do đó, muốn phát huy hiệu quả, việc rà soát về quy hoạch là rất cần thiết để nơi cần thì phải có, nơi có mà chưa phù hợp, hiệu quả thì phải điều chỉnh. Những khu vực này cần được trang bị đầy đủ hệ thống ánh sáng, tăng cường vệ sinh sạch sẽ, một số điểm cần thiết phải có bảo vệ từ khi mở cửa đến khi đóng cửa hầm để bảo đảm an ninh; đồng thời, phải có thêm những biện pháp giám sát, xử phạt mạnh mẽ, thậm chí cưỡng chế phù hợp; không để như một số lĩnh vực “không quản được thì cấm”, chỉ đến khi xảy ra sự việc nghiêm trọng mới đánh giá, rà soát, rồi kiểm soát chặt chẽ.

Quan trọng nhất, người dân phải nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, không tự ý băng qua đường gây mất an toàn giao thông đường bộ, để lãng phí các công trình giao thông công cộng.