Hầm bộ hành đường Phạm Hùng: Bỏ hoang đã ba năm!
Con đường rộng 68 m với dòng xe chạy thực tế lên đến 60km-70km/giờ, đi bộ qua đường Phạm Hùng là một việc không hề dễ. Vì lý do đó, dự án đường vành đai 3 (Mai Dịch- Pháp Vân, trong đó có 4km đường Phạm Hùng) đã đầu tư năm hầm bộ hành.
Chỉ có điều sau ba năm hoàn thành đường Phạm Hùng, các hầm bộ hành vẫn được phủ lớp bụi dày.
Trước cửa bến xe Mỹ Đình, một chiếc hầm bộ hành đã được hoàn thành cơ bản. Nhưng nó chưa được sử dụng. Trong khi đó mỗi ngày tại điểm này có hàng trăm người đi bộ cắt ngang dòng xe chạy vun vút qua đường.
Trong lòng hầm, bụi bẩn, ghế nhựa, phích nước và cả tấm biển “điện thoại” đồng tồn tại. Một người dân “chiếm” khoang hầm để kinh doanh chớp nhoáng đã kéo xẹt chiếc cửa sắt để che ống kính phóng viên.
Gần đó, cạnh khu tái định cư Nam Trung Yên với hàng trăm hộ dân sinh sống, người ta cũng bố trí một hầm bộ hành. Rất tiếc, cho đến nay nó vẫn bị bỏ hoang, còn người dân hàng ngày vẫn băng qua đường trong mối nguy hiểm cao độ.
Tại đây đã xảy ra những vụ TNGT đau lòng. Theo quan sát của chúng tôi, cả năm hầm bộ hành trên đường Phạm Hùng đều chưa được sử dụng. Dưới đáy hầm là bụi bẩn, gạch đá. Bức tường nhà hầm biến thành những biển quảng cáo khoan phá bê tông. Đặc biệt, có nhà hầm còn bị mất hết kính xung quanh.
Hiện đường Phạm Hùng đã trở thành đường trung tâm của các khu đô thị mới và hàng loạt các cơ quan, doanh nghiệp. Nhưng không hiểu vì sao, những hầm bộ hành vẫn chưa được bàn giao cho Sở GTCC Hà Nội quản lý, vận hành. Hàng chục tỷ đầu tư cho hạng mục này bao giờ mới phát huy hiệu quả?
Hầm bộ hành Ngã tư Sở, Ngã tư Vọng: Ai quản?
Trong thiết kế, nút giao thông Ngã tư Vọng cũng được đầu tư hầm bộ hành phục vụ cho người đi bộ. Thi công được 60% (giá trị xây lắp gần chục tỷ đồng), người ta phát hiện rằng, cửa hầm sẽ đâm lên giữa nút giao thông nếu tiếp tục mở rộng đường Trường Chinh - Đại La.
Vậy là, chủ đầu tư- Ban quản lý dự án Trọng điểm Hà Nội-đã tiến hành bịt cửa hầm. Nút giao thông này hiện tại không có hầm đi bộ cho dù trước đó chúng được thiết kế quy mô.
Gần chục tỷ đồng đã đầu tư vùi sâu trong lòng đất. Khối “bê tông ngầm” này có còn phù hợp khi dự án phát triển giai đoạn 2.
Trong lúc hạng mục hầm bộ hành tại Ngã tư Vọng rơi vào bế tắc, chủ đầu tư lại phải lo bàn giao hạng mục hầm bộ hành tại nút giao thông Ngã tư Sở. Hiện tại hạng mục đang được triển khai và dự kiến hoàn thành vào quý I năm 2007.
Hầm có chiều dài 440m, mặt cắt ngang 3,5x7,5m với bốn cửa hầm. Mới đây chủ đầu tư đã có văn bản gửi Sở GTCC, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, CATP, UBND quận Đống Đa xin đóng góp ý kiến về quy chế quản lý vận hành hầm đi bộ khi đưa vào sử dụng.
Công văn nêu: “Hầm bộ hành tại nút giao thông Ngã tư Sở là loại công trình mới của thành phố. Vì vậy cơ chế quản lý, vận hành sử dụng cần phải được nghiên cứu, đề xuất của nhiều cơ quan chức năng...”
Tuy nhiên, một cán bộ của Ban quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, sau hai lần gửi công văn và hai lần họp bàn, cơ chế quản lý vận hành công trình này vẫn chưa được thống nhất.
Chỉ hai tháng nữa, hạng mục này sẽ hoàn thành, liệu nó có bị bỏ hoang như nhiều hầm bộ hành hiện nay của Thủ đô?
Kiểm tra hầm bộ hành trên đường Phạm Hùng Hôm nay, 9-1, Sở GTCC Hà Nội, Ban quản lý dự án Thăng Long, nhà thầu (Liên danh Cty xây dựng 18) sẽ tiến hành kiểm tra một số hầm bộ hành trên đường Phạm Hùng. Theo chủ đầu tư, việc kiểm tra tập trung vào chất lượng công trình hầm, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió, cầu thang, hệ thống cửa của hầm bộ hành. Được biết, trước nhu cầu bức xúc về việc qua đường của nhân dân, sau khi kiểm tra tại thực địa các bên liên quan sẽ tiến hành bàn giao ba hầm bộ hành là: Hầm trước bến xe Mỹ Đình, hầm trước khu đô thị Nam Trung Yên và hầm trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia. |