Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, cầu vượt bộ hành được xây dựng chủ yếu ở gần các bệnh viện (BV), công viên và một số đường lớn như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Ðồng. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có tám cầu trên những tuyến đường này được người dân sử dụng thường xuyên, số còn lại hiệu quả rất thấp. Tại một số cầu vượt bộ hành đang khai thác, ngoài những cầu có lượng người sử dụng nhiều như phía trước Khu du lịch Suối Tiên trên quốc lộ 1 (quận 9), cầu vượt bộ hành Gò Dưa (quận Thủ Ðức) thì nhiều cầu khác luôn vắng người, thậm chí bỏ hoang. Trên đường Phạm Văn Ðồng, có năm cầu đang khai thác mặc dù thiết kế khá đẹp, thông thoáng và có mái che, nhưng rất hiếm người sử dụng. Tình trạng này cũng diễn ra ở những cầu vượt bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt. Cầu vượt bộ hành ở phía trước một số BV: BV Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh (quận 1), BV Bình Dân trên đường Ðiện Biên Phủ (quận 3)… cũng ít người đi. Ở những khu vực này, hầu hết nhân viên BV, người bệnh, người thăm nuôi bệnh đều chen giữa dòng xe cộ đang lưu thông để qua đường, gần như rất ít người sử dụng cầu vượt. Nhiều người còn cho rằng, cầu thiết kế không thuận tiện cho việc đi lại. "Cầu quá dốc và bậc thang trơn, trượt, những người bệnh, người lớn tuổi hoặc người tàn tật không thể sử dụng. Chưa kể tình trạng nhếch nhác, vào ban đêm đủ thành phần tụ tập, nảy sinh tệ nạn cho nên tôi không dám sử dụng", chị Nguyễn Lệ Chi (quận 3) phản ánh về cầu bộ hành phía trước BV Bình Dân.
Ngược lại với tình trạng các cầu vượt bộ hành gần như không ai sử dụng thì tại khu vực gần ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), nhu cầu người đi bộ qua đường rất lớn nhưng lại chưa có cầu. Tại khu vực này, nếu muốn qua đường, nhiều người phải băng qua dòng xe dày đặc. Theo một chuyên gia của Hội Cầu - Ðường - Cảng thành phố, việc xây dựng các cầu vượt bộ hành tại thành phố đang trong tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu. Việc xây cầu ở khu vực các BV, trường học là cần thiết, nhưng phải khảo sát, đánh giá đúng đối tượng sử dụng để thiết kế phù hợp. Ở BV có thể thiết kế thang máy hoặc nối liền vào bên trong để thuận tiện cho người sử dụng. Quan trọng là phải xác định vị trí phù hợp, đúng nhu cầu của người dân và khi xây cầu cũng phải đánh giá phục vụ cho đối tượng nào thì mới có thể hiệu quả, tránh lãng phí. Ngoài ra, một số cầu vượt được lắp đặt quá sớm so với nhu cầu của người dân, thiết kế chưa phù hợp. Chẳng hạn, cầu vượt trước BV Từ Dũ được xem như là một trong những cầu vượt hiện đại nhất thành phố, với mái che, kính chắn kiên cố nhưng lại không có lối lên xuống thuận tiện và tổ chức giao thông rõ ràng. Cầu vượt bộ hành Ðiện Biên Phủ đoạn trước chợ Văn Thánh cũ, có thiết kế rất bất cập, xây quá cao khiến người đi bộ qua đường không đi được, hoặc rất khó đi. Chưa kể, có những cầu vượt do lâu ngày không được sử dụng, sửa chữa cho nên ngày càng xuống cấp, nảy sinh nhiều tệ nạn như tập trung buôn bán, xả rác nhếch nhác.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cũng nhìn nhận việc xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành tại thành phố do thiếu sự tính toán, khảo sát xã hội học dẫn đến khai thác không hiệu quả. Theo TS Sanh, ngoài việc nhiều người vẫn còn thói quen tùy tiện băng qua đường thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhiều cầu vượt bộ hành chưa phát huy tác dụng là vị trí xây dựng không phù hợp. Cầu vượt bộ hành phải được xây dựng tại những nơi đông dân cư, có kết nối với các nút giao thông công cộng hoặc trung tâm thương mại, vui chơi giải trí… Tuy nhiên, tại thành phố không có nhiều cầu đáp ứng được những tiêu chí nêu trên. Trong khi đó, với nhiều cầu bộ hành khu vực các BV, ông Sanh cho rằng thiết kế không phù hợp, chưa lưu tâm đến đối tượng là người bệnh, già yếu hoặc người khuyết tật.
Theo Sở GTVT, hiện nay, một số cầu bộ hành đang khai thác còn nhiều hạn chế, sở cũng đánh giá nhiều cầu quá dốc, bậc thang cao cho nên không thuận tiện cho người lớn tuổi, người bệnh… Riêng những cầu xây dựng trên đường Phạm Văn Ðồng, Võ Văn Kiệt, Sở GTVT thành phố cho rằng, các khu vực này có mật độ dân cư chưa đông, dẫn đến cầu chưa phát huy hết tác dụng. "Những bất cập nêu trên cũng đã được đánh giá kỹ và thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp như gắn thêm mái che, làm bậc thang chống trượt, chú trọng mỹ quan ở các cầu bộ hành nhằm thu hút người dân đi lại", đại diện Sở GTVT thành phố cho biết. Cũng theo sở này, để bảo đảm mỹ quan, kết nối giao thông ở các cầu bộ hành, đơn vị sẽ bố trí lại các trạm dừng xe buýt ở hai đầu cầu và kết hợp chỉnh trang vỉa hè để kết nối với các tuyến đường lân cận. Ngoài ra, sẽ tiếp tục khảo sát, lắp đặt dải phân cách có tính mỹ quan tại các vị trí xây cầu bộ hành, nhất các cầu ở khu vực trung tâm thành phố. Sở cũng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an ninh tại các khu vực có công trình bộ hành và giao các đơn vị trực thuộc sở theo dõi chặt tình hình sử dụng các cầu bộ hành, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả dân sinh.