Phát huy giá trị sản phẩm OCOP

“Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng khai thác và phát huy cao nhất nội lực để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, các sản phẩm OCOP ở Bình Phước đã và đang từng ngày khẳng định thương hiệu nông sản Bình Phước.
0:00 / 0:00
0:00
Đóng gói gạo Sóc Nê, một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.
Đóng gói gạo Sóc Nê, một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Tỉnh Bình Phước triển khai chương trình OCOP chậm hơn so với mục tiêu, kế hoạch đề ra; đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có chưa đến 30% số huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chương trình này.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, nỗ lực của các chủ thể sản xuất, đến nay chương trình đã được triển khai đến tất cả địa phương trong tỉnh và trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn.

Khởi nghiệp từ năm 2019 với sản phẩm cà-phê và hạt điều rang muối mang thương hiệu Nhâm Nhung, đến năm 2021, sản phẩm hạt điều Nhâm Nhung được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Một năm sau đó, thương hiệu hạt điều rang muối Nhâm Nhung được nâng lên OCOP 4 sao, còn cà-phê cũng được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao.

Có được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực không ngừng của chị Nhâm Nữ Ngọc Nhung, chủ cơ sở sản xuất Nhâm Nhung ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản. Chị Nhung cho biết: Khi bắt đầu làm sản phẩm OCOP cũng gặp rất nhiều khó khăn vì phải tự tìm hiểu, nghiên cứu cho nên nhiều mẻ điều, cà-phê bị cháy.

Vì thế, số vốn bỏ ra cứ vơi dần, phải vay mượn. Sau nhiều năm nỗ lực chị cũng có được chứng nhận OCOP và xem như “giấy thông hành” để sản phẩm của cơ sở Nhâm Nhung đến tay người tiêu dùng khắp mọi miền Tổ quốc.

Năm qua, cơ sở đã sản xuất, bán ra thị trường khoảng hơn 10 tấn cà-phê và hạt điều thành phẩm. Thời gian tới, cơ sở sẽ đầu tư mua sắm thêm máy móc, đẩy mạnh marketing đưa sản phẩm cà-phê và hạt điều Nhâm Nhung đi xa hơn nữa và mong muốn được xuất khẩu.

Là đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực chế biến chuyên sâu hạt điều, bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ đã tạo ra hàng chục sản phẩm hạt điều OCOP có chỗ đứng trên thị trường.

Bà Mỵ cho biết: Các sản phẩm đạt OCOP 5 sao của công ty đều có mã số truy xuất nguồn gốc và được thu mua trực tiếp từ các vùng trồng điều tại xã Bom Bo và Phước Sơn của huyện Bù Đăng; sử dụng giống mới lai tạo, được chăm sóc hữu cơ phù hợp với chất đất, khí hậu địa phương.

Nhờ đó, các sản phẩm của Hà Mỵ có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc và là nhãn hàng riêng cho hệ thống siêu thị Co.opmart.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, đến nay toàn tỉnh có 157 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP hạng 3 đến 5 sao; trong đó, có ba sản phẩm hạng 5 sao, 58 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao với gần 80 chủ thể đăng ký.

Các sản phẩm OCOP khá đa dạng, phong phú chủng loại, gồm 127 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 30 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống có cồn; 10 sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Các sản phẩm OCOP của Bình Phước đều có chất lượng cao, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm, bao bì sản phẩm OCOP bắt mắt, điều này thể hiện trình độ sản xuất của nông dân có sự tiến bộ rõ rệt.

Anh Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, công tác xúc tiến thương mại được phối hợp triển khai tích cực và hiệu quả.

Qua đó, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm đến điểm bán hàng OCOP, các trung tâm thương mại lớn như hệ thống Co.opmart.

Doanh nghiệp cũng đã chủ động tham gia tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời, mở điểm giới thiệu, trưng bày, mua bán sản phẩm như: hạt điều Bà Tư của Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo (thành phố Đồng Xoài); điều Hà Mỵ của Công ty cổ phần Hà Mỵ; yến sào của Công ty TNHH một thành viên Bảo Ngân (huyện Bù Đốp)…

Bên cạnh những kết quả nổi bật, quá trình triển khai chương trình OCOP bộc lộ một số bất cập như: Sự chủ động vào cuộc ở một số địa phương còn hạn chế; một số nơi có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, chưa phát huy được thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng.

Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP. Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại nhiều lúc còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội để xây dựng hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, thương hiệu OCOP Việt Nam.

Do đó, để các phẩm OCOP thật sự có chỗ đứng trên thị trường, cần xóa bỏ tình trạng làm theo phong trào, xuề xòa trong quá trình thẩm định, đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu sản phẩm OCOP khác.

Xây dựng sản phẩm OCOP theo quy luật cung-cầu; trong đó, gắn với nhu cầu trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời, phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế hợp tác (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước) Huỳnh Hữu Nhưng cho biết: Để phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc phát triển sản phẩm OCOP, thời gian tới, sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp.

Trong đó, tập trung những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch; từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới sáng tạo, nhất là đối với sản phẩm OCOP cấp tỉnh, quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường xuất khẩu.