Thảo Cầm Viên chúc mừng hươu cao cổ Thảo Em tròn 1 tuổi

NDO - Sáng 29/4, đông đảo du khách tham quan Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) đã đến chúc mừng hươu cao cổ Thảo Em tròn 1 tuổi. Đây là một trong nhiều sự kiện nổi bật của Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhằm thu hút du khách đến tham quan tại đây vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.
0:00 / 0:00
0:00
Hươu cao cổ "Thảo em" hiện đã ăn được tất cả các loại thức ăn mà nhân viên mang đến.
Hươu cao cổ "Thảo em" hiện đã ăn được tất cả các loại thức ăn mà nhân viên mang đến.

Ngay từ sáng sớm, nhiều du khách đã tập trung tại khu vực nuôi hươu cao cổ để chờ đón bữa tiệc “thôi nôi” của Thảo Em.

Thảo Em là hươu cái, con thứ 3 được sinh ra từ cha Thái và mẹ Lan đều nhập về từ Thái Lan khoảng tháng 7 năm 2014.

Trước đó, năm 2018 cặp cha mẹ này sinh ra cô chị cả hiện đang sinh sống tại Củ Chi. Vào năm 2021 “Thảo Chị” ra đời, hiện đã “lấy chồng” là hươu đực sống ở kế chuồng tê giác.

Có một điều đặc biệt là gia đình 3 cô con gái thì cô đầu sinh vào ngày 20/10 là Ngày Phụ nữ Việt Nam, Thảo em sinh vào cận ngày 30/4 nên rất dễ nhớ ngày sinh nhật.

Theo ban quản lý Thảo Cầm Viên Sài Gòn, khi sinh ra,Thảo Em nặng khoảng 50 kg và chiều cao xấp xỉ 2m, giống nhưng những bé hươu cao cổ khác, phải mất hơn 2 tiếng thì Thảo Em mới bắt đầu run run, tập đứng trên 4 chân của mình.

Và phải mất hơn 4 tiếng, Thảo Em mới có thể trụ vững. Thông thường hươu cao cổ sơ sinh dành rất nhiều thời gian để nằm, bé chỉ đứng dậy khi đói, cần bú sữa mẹ.

Thảo Cầm Viên chúc mừng hươu cao cổ Thảo Em tròn 1 tuổi ảnh 1

Thảo Em còn khá nhút nhát, thường đi theo mẹ.

Không phải lúc nào hươu cũng sinh sản và nuôi con suôn sẻ. Như trường hợp cô chị cả, hươu mẹ không đoái hoài gì đến con, có lẽ là do lần đầu tiên và cảm giác đau sau khi sinh nên hươu mẹ chỉ đứng từ xa nhìn con, các hành động như liếm con khô, động viên con đứng dậy đều do hươu bố đảm trách.

Thảo Cầm Viên chúc mừng hươu cao cổ Thảo Em tròn 1 tuổi ảnh 2

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm với gia đình hươu cao cổ.

Sợ hươu con gặp bất trắc, sau hơn 6 tiếng quan sát mà chưa thấy mẹ cho con bú, các nhân viên chăm sóc phải nhốt hươu mẹ vào chuồng nhỏ, sau đó đưa hươu con vào theo.

Nhờ được ở chung trong một không gian hẹp, cũng có thể là tình mẫu tử hoặc do cảm giác đau sau khi sinh giảm nên hươu mẹ bắt đầu chăm sóc con.

Theo các nhân viên săn sóc, 12 tiếng là khoảng thời gian dài để hươu con biết cách lần tìm vú mẹ và có được ngụm sữa đầu tiên.

Thảo Cầm Viên chúc mừng hươu cao cổ Thảo Em tròn 1 tuổi ảnh 3

Nhân viên cho hươu cao cổ tên Thái ăn, Thái là cha của "Thảo em".

Vì hươu cao cổ sống thành đàn nên tập tính tự nhiên này vẫn được duy trì trong vườn thú. Lúc hươu mẹ ăn, nghỉ hay cho con bú thì hươu bố sẽ vươn dài cổ, đứng gác, bảo đảm an toàn cho 2 mẹ con là gia đình, là bầy đàn của nó. Hươu bố cũng thường dụi đầu, lè lưỡi liếm hươu con như là hành động khích lệ, cổ vũ cho bé.

Hiện nay công tác ghép đôi sinh sản hươu cao cổ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn được chuẩn bị chủ động từ trước.

Hươu mẹ, hươu bố không cùng huyết thống sẽ được đưa về ở chung nhau từ khi còn bé, sau đó các cặp đôi sống với nhau, được theo dõi chăm sóc bởi nhân viên chăm sóc và nhân viên thú y.

Họ sẽ ghi chép lại các diễn biến về sức khỏe cũng như hoạt động sinh sản để ước lượng thời điểm mang thai và thời gian dự sinh nhằm có kế hoạch, chuẩn bị chu đáo.

Thảo Cầm Viên chúc mừng hươu cao cổ Thảo Em tròn 1 tuổi ảnh 4

Du khách, nhất là các bạn nhỏ, đã ghi lại lời chúc mừng Thảo Em tròn 1 tuổi.

Trong bữa tiệc thôi nôi Thảo Em, du khách được trải nghiệm hoạt động bó lá cây- thức ăn yêu thích của loài hươu, trả lời câu hỏi về các loài động vật, ghi lại những lời chúc mừng Thảo Em tròn 1 tuổi.

Hiện Thảo Em đã ăn được hầu hết các loại thức ăn mà nhân viên mang đến, nhất là lá keo. Bé còn khá nhút nhát, thường vẫn chạy theo mẹ trong các hoạt động.

Thảo Cầm Viên chúc mừng hươu cao cổ Thảo Em tròn 1 tuổi ảnh 5

Các du khách tham gia hoạt động bó lá để cho gia đình hươu cao cổ ăn.

Sự kiện không chỉ là đa dạng, phong phú các hoạt động tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn mà nó còn đánh dấu sự thành công trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn, nhân giống thành công các loại động vật tại đơn vị.