Nhiều người gọi Quảng Trị là bảo tàng sinh động của chiến tranh bởi có đến 500 di tích với 561 điểm, gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt với 28 điểm di tích thành phần, 20 di tích quốc gia, 476 di tích cấp tỉnh, trong đó hầu hết là di tích lịch sử cách mạng, tạo nên những đặc trưng riêng biệt và độc đáo, giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Ðến với Quảng Trị du khách luôn trân trọng, ngưỡng mộ trước những câu chuyện chiến tranh cách mạng để bảo vệ nền hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam.
Giá trị lớn
Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải luôn đau đáu trong lòng mỗi người con đất Việt. Ðầu cầu Hiền Lương ở phía bờ bắc có dòng chữ in rõ trên cổng chào "Nam Bắc là một nhà-Bắc Nam là ruột thịt" khẳng định một chân lý trường tồn, bất diệt của dân tộc Việt Nam. Di tích này trở thành biểu tượng độc đáo của hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo luôn được các cấp đặc biệt quan tâm.
Cách Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải về phía nam khoảng gần 40km có một địa danh nổi tiếng nữa là Thành cổ Quảng Trị thuộc thị xã Quảng Trị. Trở lại những ngày cách mạng miền nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt, ngay sau thắng lợi của chiến dịch phản công Ðường 9-Nam Lào năm 1971, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ của chiến trường miền nam là giành thắng lợi quyết định trong năm 1972; kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị để giành thắng lợi trên bàn ngoại giao.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Quảng Trị-Thừa Thiên làm hướng chiến lược chủ yếu. Thực hiện chủ trương đó, cuộc tấn công của các đơn vị bộ đội diễn ra trong vòng hơn một tháng, từ 30/3-1/5/1972, đã đập tan được tuyến phòng thủ chiến lược mạnh nhất của địch, giáng một đòn mạnh vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ; hoàn thành giải phóng tỉnh Quảng Trị, đạt được mục tiêu trên mặt trận ngoại giao.
Tức tối trước thất bại đau đớn này, từ ngày 28/6/1972, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân hòng tái chiếm Quảng Trị, cũng từ đây mở đầu cho 81 ngày đêm quân Giải phóng chiến đấu chống phản công để bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Kết thúc chiến dịch, Thành cổ chỉ còn lại dấu tích của một vài đoạn tường loang lổ vết đạn, các công trình đã bị đánh sập, phía nội thành hoàn toàn bị xóa dấu vết.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Lê Minh Tuấn cho biết, vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị là hai Di tích quốc gia đặc biệt. Cả hai di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như tỉnh Quảng Trị quan tâm, đầu tư bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị.
Du khách dâng hương ở tượng đài chính Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh QUANG HUY) |
Ðiểm nhấn của lễ hội Vì hòa bình
Ðể bảo tồn, tôn tạo, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án: Công viên Thống nhất tại Di tích quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; tổng kinh phí đầu tư 170 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương.
Theo đó, dự án Công viên Thống nhất tại Di tích quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải sẽ được bảo tồn, tôn tạo tổng thể gồm: kỳ đài, cầu Hiền Lương, nhà liên hợp, chỉnh trang cảnh quan, trang thiết bị phục vụ quản lý và các hạng mục phụ trợ của di tích… để tạo thành một công viên thống nhất chỉnh thể. Dự án Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị bảo tồn, tôn tạo nhiều hạng mục chính cùng các hạng mục phụ trợ, những địa điểm liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh văn hóa cội nguồn và di tích lịch sử để thúc đẩy du lịch, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân và phục vụ tăng trưởng kinh tế, ngay từ năm 2017, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 83-CTHÐ/TU đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HÐND về Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2030. Việc đầu tư tôn tạo hai di tích quốc gia đặc biệt nêu trên là sự hiện thực hóa chương trình hành động của Tỉnh ủy Quảng Trị và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Với quyết tâm của tỉnh Quảng Trị, từ năm 2021, Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép tỉnh được tổ chức lễ hội với thông điệp Vì hòa bình, định kỳ hai năm một lần và nằm trong danh mục sự kiện văn hóa lớn của quốc gia, là hoạt động văn hóa đương đại nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.
Lễ hội còn nhằm tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Dự kiến lễ hội Vì hòa bình lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 7/2024 nên việc xúc tiến đầu tư, tôn tạo hai di tích đặc biệt này đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn lúc nào hết.
Lễ hội Vì hòa bình lần thứ nhất có thông điệp "Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình", là một không gian hội tụ và sáng tạo, chuyển tải giá trị hòa bình, là câu chuyện lịch sử văn hóa đặc sắc. Năm 2024 sẽ diễn ra sự kiện kỷ niệm 70 năm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt đất nước, cho nên lễ hội sẽ được khai mạc tại Di tích quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; bế mạc tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với chương trình thả hoa đăng, thắp nến tri ân tại sông Thạch Hãn ■