Phát huy giá trị di sản xứ Đoài trong phát triển công nghiệp văn hóa

NDO -

Sáng 26/4, tại thị xã Sơn Tây, Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài”.

Khách du lịch trải nghiệm các di sản tại làng cổ Đường Lâm.
Khách du lịch trải nghiệm các di sản tại làng cổ Đường Lâm.

Địa danh Xứ Đoài chỉ vùng văn hóa rộng lớn nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, hiện nay tương ứng với địa bàn thị xã Sơn Tây, các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng… Đây là vùng đất của người Việt cổ, với núi Tổ Ba Vì, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn thánh, vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt. Đây cũng vùng đất văn vật đóng góp nhiều anh hùng, hiền tài cho đất nước, nên thường được gọi là văn hiến xứ Đoài. Hiện nay, xứ Đoài còn lưu giữ nhiều di sản tiêu biểu như: Làng cổ Đường Lâm; các Di tích quốc gia đặc biệt: chùa Thầy, chùa Tây Phương, đền Hát Môn, đình Tây Đằng…; hay Thành cổ Sơn Tây - thành quân sự bằng đá ong duy nhất trên cả nước.

Với vị thế là một trong tứ trấn của Kinh đô - Thủ đô của nước Việt, xứ Đoài luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long-Hà Nội, qua đó góp phần bồi đắp, làm phong phú, vững chắc hơn cốt cách, bản sắc của riêng mình trong suốt chiều dài lịch sử. Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” thu hút gần 40 tham luận, là những bài nghiên cứu khoa học, cùng hàng chục ý kiến đóng góp đầy tâm huyết và thuyết phục, góp phần làm rõ hơn giá trị văn hóa đặc biệt của xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của di tích Thành cổ Sơn Tây trong lịch sử, văn hóa xứ Đoài.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài, thí dụ như: Xây dựng đề án nghiên cứu nhận dạng, tư liệu hóa các giá trị di sản, định hướng xây dựng các kế hoạch hoạt động phát huy giá trị; tiếp tục nghiên cứu khoa học về Thành cổ Sơn Tây; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về di tích; gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch văn hóa, hướng tới phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa của Sơn Tây nói riêng và Thủ đô nói chung… Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và các nội dung Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 09-NQ/U về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hưởng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.