Tham dự hội thảo, có đại diện lãnh đạo và các nhà nghiên cứu khoa học thuộc các viện nghiên cứu Trung ương, Viện FNF cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các huyện, thị xã có đồng bào dân tộc Thổ sinh sống cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về văn hóa, dân tộc trong tỉnh.
Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận những vấn đề đặt ra với dân tộc Thổ trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại các huyện miền Tây Nghệ An.
Dân tộc Thổ là một trong năm dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, cư trú tập trung tại thị xã Thái Hòa và các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông và Tân Kỳ.
Dân tộc Thổ được tập hợp từ nhiều nhóm khác nhau, có chung một số nét đặc trưng, đồng thời có những nét riêng về dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống, nghi thức, nghi lễ… Trong quá trình phát triển, dân tộc thổ có sự giao thoa văn hóa với dân tộc Thái, dân tộc Kinh, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Thổ đã bị mai một, nhất là các thành tố văn hóa trong đời sống vật chất và tinh thần.
Toàn cảnh hội thảo. |
Tại Hội thảo đã có 16 tham luận xoay quanh vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và tri thức bản địa của dân tộc Thổ phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Đáng chú ý là các tham luận: “Khai thác tri thức bản địa và tập quán ăn uống của người Đan Lai vào hoạt động du lịch trải nghiệm” của Tiến sĩ Võ Thị Hoài Thương; “Phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch bền vững hiện nay” của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Bích Thủy; “Những việc làm của VTIK trong bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ tại miền Tây Nghệ An” của nghệ nhân Sầm Văn Bình…
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến về việc cần phải liên kết với các nhà thiết kế để các sản phẩm của đồng bào Thổ làm ra, vừa bảo tồn và phát triển để thích ứng với thời đại mới.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tập trung bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và tri thức bản địa, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Trong quá trình phát triển, cần tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, vừa phát huy nội lực của nhân dân.
Các địa phương sớm xây dựng kế hoạch, đề án phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Thổ để phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng các điểm đến và tour du lịch phù hợp để thu hút du khách, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống…
Trước hội thảo, các đại biểu đã có buổi thăm quan thực nghiệm một số mô hình của đồng bào Thổ ở xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn). Đoàn đã đến thăm mô hình vườn chuẩn nông thôn của hộ anh Lê Trọng Sơn ở làng Lung Thượng, trồng cây ăn quả từ năm 2020-2021, bước đầu cho thu nhập 150 triệu đồng/năm; Thăm mô hình làm bánh gai, đan võng gai… Đây là những mô hình đang được bà con đồng bào Thổ dần phục hồi, vừa có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thổ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Tại đây, đoàn đã được xem màn diễn xướng múa hát cồng chiêng của Câu lạc bộ xã Nghĩa Lợi. Hiện Câu lạc bộ có hơn 50 thành viên đều có chung niềm đam mê tiếng cồng, chiêng.