Phát động thi đua trên công trường cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45

NDO -

Sáng 27/1, tại công trường dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45, Bộ Giao thông vận tải tổ chức phát động phong trào thi đua “Xuân Nhâm Dần trên các công trường giao thông”.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại lễ phát động.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại lễ phát động.

Phát động thi đua lao động trên công trường trọng điểm cao tốc bắc-nam, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các chủ thể tham gia thực hiện dự án phát huy sức mạnh tập thể, quyết tâm cao hơn nữa bảo đảm hoàn thành công trình với chất lượng cao, tiến độ nhanh nhất để sớm đưa toàn bộ dự án vào khai thác sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Hưởng ứng chương trình phát động thi đua, bảo đảm dự án hoàn thành theo đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án Thăng Long, các đơn vị Tư vấn giám sát và Nhà thầu thi công cam kết thực hiện phong trào thi đua và đăng ký giá trị sản lượng thi công của các gói thầu thuộc dự án giai đoạn thi công từ ngày 23/1 đến 28/2/2022 là 188 tỷ đồng.

“Trong quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư Ban Quản lý dự án Thăng Long cam kết sẽ chỉ đạo nhà thầu thi công và Tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng các hạng mục thi công; Tổ chức triển khai thi công đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2022”, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cam kết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, tuyến quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ quy mô 4 làn xe, do đặc thù giao thông hỗn hợp nên tốc độ khai thác thấp, áp lực giao thông ngày càng gia tăng. Trước nhu cầu phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam, giai đoạn 2017-2020 ưu tiên làm trước 654 km, giai đoạn tiếp theo (2022-2025) là 729 km.

Tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam với vai trò kết nối Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền trung, phía nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ các vùng kinh tế trọng điểm với cảng biển, cảng hàng không, khu công nghiệp.

“Sau khi hoàn thành, đây sẽ trở thành hành lang vận tải quan trọng, có tính lan tỏa, phát huy hiệu quả các dự án đường bộ cao tốc đã và đang đầu tư, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, kết nối liên hoàn hạ tầng kinh tế các địa phương nơi dự án đi qua, góp phần thu hút đầu tư và góp phần khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của các địa phương”, Thứ trưởng nói.