Phần lớn các địa phương đồng ý mở lại đường bay nội địa

NDO -

Đến chiều 5/10, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã tiếp nhận phản hồi từ 10 địa phương về đề xuất góp ý kế hoạch mở lại đường bay nội địa giai đoạn 1, phần lớn đều thống nhất kế hoạch khai thác các đường bay nội địa được đưa ra.

Máy bay hoạt động tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Máy bay hoạt động tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, các tỉnh Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa hoàn toàn thống nhất với đề xuất của Cục. Tỉnh Nghệ An thống nhất đối với các chuyến bay từ Nghệ An đi/đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/tuần.

TP Hồ Chí Minh cơ bản thống nhất tần suất khai thác như kế hoạch, riêng đối với đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, thành phố đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam với Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam gửi văn bản lấy ý kiến một số tỉnh, thành phố để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động, đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương. Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.

Theo kế hoạch, từ ngày 5/10, ngành hàng không sẽ khai thác 91 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày trên đường bay giữa Hà Nội đi với các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang (Phú Quốc, Rạch Giá), Nghệ An, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Quảng Nam, Cần Thơ, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đắk Lắk.

Trong đó, đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tần suất khai thác nhiều nhất, với 28 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Các đường bay trên sẽ do các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines khai thác.

Một số chuyên gia kinh tế đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam trong việc nhanh chóng mở lại các đường bay nội địa và thông thương vận tải trên cả nước nói chung, để nhanh chóng đưa nền kinh tế trở về trạng thái bình thường mới.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép