Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế của Tây Bắc

Bước vào năm 2023, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra trên các lĩnh vực; sớm đưa Sơn La trở thành một cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc. Một hình ảnh về Sơn La năng động, sáng tạo, thân thiện dần hiện hữu, thế và lực được nâng lên, tạo bước chuyển về chất trong quá trình phát triển, hội nhập.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân chăm sóc cây chanh leo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Nông dân chăm sóc cây chanh leo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Tiếp tục bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn địa phương; ban hành các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, giải pháp cụ thể, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá, vừa thích ứng linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh.

Khẳng định vị thế

Trong năm 2022, tỉnh Sơn La có 27 trong số 28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,42% (riêng ngành công nghiệp tăng 22,45%); khu vực dịch vụ tăng gần 8%. GRDP bình quân đầu người đạt 48,96 triệu đồng/người/năm (vượt 1,96 triệu đồng so với kế hoạch).

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.628 tỷ đồng, vượt 23% dự toán Trung ương giao. Tổng vốn huy động tại địa phương đạt gần 30.000 tỷ đồng; phê duyệt, cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu trên 3.450 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; đến nay, toàn tỉnh có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố Sơn La đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Một điểm nhấn thể hiện rõ Sơn La đã và đang dần trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc khi thế và lực của Sơn La không ngừng lớn mạnh chính là sản xuất nông nghiệp, với tư duy đổi mới sản xuất theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với liên kết sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Sơn La đã có hơn 83.000ha cây ăn quả, gần 88.000ha trồng cây công nghiệp với 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn và 110 sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho đến cấp quốc gia, trên 32.000ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương... đã khẳng định vị thế của Sơn La trên bản đồ nông nghiệp quốc gia.

Hiện nay Sơn La là tỉnh dẫn đầu miền bắc về diện tích, sản lượng cây ăn quả với các thương hiệu nông nghiệp được xây dựng, giữ gìn, phát triển và có mặt trên các thị trường trong nước, quốc tế với sức cạnh tranh cao. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng khá, vượt kế hoạch đề ra và tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2021; công tác thu hút đầu tư được quan tâm, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản.

Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế của Tây Bắc ảnh 1

Sản phẩm cà-phê hữu cơ Heli thay thế cà-phê chồn của Hợp tác xã Bích Thao Sơn La.

Sơn La có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản hoạt động hiệu quả, đóng vai trò là trụ đỡ của sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản.

Thời gian qua, Sơn La tổ chức, tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, khai trương sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La, kết nối 20.000 hộ nông dân tham gia sàn thương mại điện tử; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2022 đạt 175 triệu USD, tăng 8,4% so với năm 2021, trong đó giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt trên 163 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra; hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, năm 2022, đã có hơn 3,3 triệu lượt khách du lịch đến Sơn La với doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng...

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, cho biết: Niềm vui lớn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La là trong chuyến công tác tại tỉnh vào tháng 5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý cho Sơn La đầu tư đoạn tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu; nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản; mở rộng, nâng cấp công suất nhà máy Thủy điện Sơn La; xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng và triển khai thực hiện Khu du lịch quốc gia Mộc Châu...

Nhiều giải pháp tạo thế và lực mới

Để đưa Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030, đồng chí Nguyễn Hữu Đông cho biết: Bước vào năm 2023, với nhiều thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị; duy trì và thực hiện hiệu quả chống dịch Covid-19; các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, tăng trưởng xanh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đang tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La; tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án, nhất là dự án đường bộ cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (đoạn thuộc địa phận tỉnh Sơn La); Cảng hàng không Nà Sản; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng Khu công nghiệp Mai Sơn; hình thành Khu công nghiệp Vân Hồ và các cụm công nghiệp; đầu tư hạ tầng đô thị phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I; xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã; huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025; phối hợp các bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng Đề án hình thành, phát triển hành lang kinh tế Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên, góp phần đưa Sơn La trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc và trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tỉnh tiếp tục hoàn thiện các đề án phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đủ điều kiện được công nhận vào năm 2025, đề án định hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia, giai đoạn 2022-2030; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Đảng bộ tỉnh Sơn La cũng chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống ma túy; duy trì, củng cố mối quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, đặc biệt với chín tỉnh nước CHDCND Lào; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung bảo đảm điều kiện khai trương cặp Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập-Pa Háng; tập trung triển khai hiệu quả các nội dung biên bản hội đàm giữa tỉnh Sơn La với chín tỉnh nước bạn Lào; các biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với tỉnh Lào Cai, Hưng Yên, thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.

Đảng bộ tỉnh cũng tổ chức kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Kế thừa thành quả trong xây dựng, phát triển và hội nhập, Đảng bộ tỉnh Sơn La tiếp tục quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế, trọng tâm là tạo sự đột phá trong kinh tế nông, lâm nghiệp...

Những bước đi vững chắc, thận trọng, cùng nhiều giải pháp mang tính đột phá, sẽ góp phần giúp Sơn La thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc, trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.