Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nay trên thế giới đã có 77,5% số người trên tuổi nghỉ hưu nhận được một số hình thức hưu trí tuổi già.
Tuy nhiên, cũng theo ILO, tỷ lệ này ở các quốc gia, khu vực có sự chênh lệch lớn. Chẳng hạn, tại Việt Nam, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cuối năm 2020, cả nước mới có hơn 4,49 triệu người, tương đương với 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng dành cho người hơn 80 tuổi.
Ðể từng bước giải quyết vấn đề nêu trên và từng bước hiện thực hóa mục tiêu đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đó là phấn đấu số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt khoảng 55% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030, nhiều giải pháp đã được tính đến trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong đó, một giải pháp căn cơ được tính đến là mở rộng diện bao phủ thông qua mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện; giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần để hạn chế số người rời khỏi "lưới an sinh"; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp xã hội hằng tháng dành cho người cao tuổi) phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Theo đánh giá chung, các biện pháp nêu trên là khá tổng thể, khả thi, phù hợp với thực tiễn; bảo đảm tốt hơn về an sinh xã hội cho người lao động khi về già. Mặc dù vậy, vẫn có một số ý kiến cho rằng, những giải pháp nêu trên không phải là căn bản, mà quan trọng nhất là cần… giảm tuổi nghỉ hưu, bởi thực tế là nhiều người lao động chỉ có thể làm việc đến khoảng 45 đến 50 tuổi !
Trước hết, chúng ta cần xác định rõ rằng, tuổi nghỉ hưu không phải nội dung nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội mà là quy định tại Bộ luật Lao động. Trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động gần đây nhất (năm 2019), đây là vấn đề đã được Quốc hội xem xét, thảo luận rất kỹ. Phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đã được quyết định nhằm xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí bền vững, giải quyết thách thức về nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh, bảo đảm bình đẳng giới. Ðây cũng không phải là lựa chọn riêng của Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang phải điều chỉnh tăng tuổi hưu; có nước quy định độ tuổi nghỉ hưu lên tới 67 tuổi nhằm giải quyết những vấn đề này.
Dù một bộ phận người lao động mong muốn nghỉ hưu sớm, nhưng chúng ta cũng không thể không lưu ý một thực tế đã được Tổng cục Thống kê công bố là có khoảng 35% người cao tuổi (từ 60 trở lên) ở nước ta vẫn đang làm việc. Trong số này đa phần là những người không có lương hưu và trợ cấp xã hội. Ðiều đó không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của lương hưu trong bảo đảm an sinh đối với người cao tuổi, mà còn cho thấy đâu mới là giải pháp đúng cho vấn đề này.