Phải thay đổi tư duy về an toàn thực phẩm

NDO - Đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp nhận định, việc bảo đảm an toàn thực phẩm nội địa vẫn còn nhiều bất cập trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và quản lý, gây bất an cho người tiêu dùng…
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thành phố Hồ Chí Minh ký thỏa thuận tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.
Đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thành phố Hồ Chí Minh ký thỏa thuận tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.

Ngày 18/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết: “Một số nhà sản xuất còn nhược điểm là chưa có ý thức tự giác trong khâu sản xuất, chế biến, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt; chưa chọn vật tư, con giống chất lượng để đưa vào sản xuất; sản xuất còn theo phong trào, gây ra tình trạng thừa-thiếu trên thị trường; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao còn yếu kém; nơi chế biến thực phẩm chưa được đầu tư bài bản, còn đơn sơ, không bảo đảm vệ sinh; việc xin giấy phép phải qua nhiều thủ tục”.

Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình an toàn thực phẩm nội địa từng bước được cải thiện. Tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng vẫn còn mức cao do quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác, chính sách, pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn, hệ thống giám sát, thanh kiểm tra chưa hiệu quả.

Để giải quyết những bất cập trên, cần tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, xác định khâu trọng yếu của chuỗi là các trang trại, hợp tác xã đến các chợ đầu mối và nhà bán lẻ lớn. Từ việc chuẩn hóa những khâu trọng yếu này và minh bạch chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát đường đi của thực phẩm sẽ giúp kiểm soát được an toàn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), để bảo đảm an toàn thực phẩm cần tập trung kiểm soát quá trình. Theo đó, cần sớm ban hành quy định bắt buộc thời hạn áp dụng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh với các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP. Ban hành tiêu chuẩn điều kiện kinh doanh và nâng cấp tiêu chuẩn vệ sinh với các chợ đầu mối, cảng, chợ cá. Quy định thời hạn bắt buộc bao bì chứa rau củ quả, thực phẩm tươi sống phải có nhãn mác với đầy đủ tên nhà sản xuất, ngày thu hoạch, trọng lượng số và logo của giấy chứng nhận an toàn vệ sinh. Quy định thống nhất bộ nhận diện áp dụng chung cho doanh nghiệp được chứng nhận VietGAP… Đồng thời, quy định trách nhiệm của các chợ, thương lái, siêu thị, ban tổ chức các sự kiện thương mại lớn trong việc kiểm soát nguồn gốc và bán hàng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phải thay đổi tư duy về an toàn thực phẩm ảnh 1

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để nâng chất lượng an toàn thực phẩm, chúng ta phải thay đổi tư duy từ sản xuất đến tiêu thụ và quản lý. Phải bỏ tư duy hô khẩu hiệu như: “Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm”, vì đây là việc cần được thực hiện thường xuyên và liên tục, làm sao để ý thức an toàn thực phẩm ăn vào tâm thức hằng ngày.

“Cũng không nên có tâm lý chờ đợi thế hệ tương lai thay đổi được ý thức về an toàn thực phẩm. Ngay từ bây giờ người lớn phải làm gương cho thế hệ trẻ. Phải có ý thức thượng tôn pháp luật trong việc giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm trong nếp nghĩ và hành động”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm, về lâu dài, cần thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm. Thay vì chỉ cơ quan quản lý giám sát, doanh nghiệp phải tiên phong, hướng dẫn, đặt hàng người nông dân để có thực phẩm, nông sản sạch. Doanh nghiệp có thể bắt đầu hợp tác với nông dân ở quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần khi tất cả đã vào guồng… Bộ đang rà soát các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn nông sản sạch sau đó sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi cho phù hợp hơn.