Cùng suy ngẫm

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm vào Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế, bất cập thì an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được hàng triệu người dân quan tâm bởi thực phẩm là nhu cầu hằng ngày và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, giống nòi.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo đảm an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Với hơn 10 triệu dân, chưa kể người dân các địa phương khác tạm trú trên địa bàn, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tự cung, tự cấp được khoảng 20% nhu cầu thực phẩm, số còn lại là từ nguồn cung của các địa phương lân cận. Thành phố có ba chợ đầu mối, là nơi cung cấp thực phẩm cho hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.

Sở dĩ vấn đề về an toàn thực phẩm của hàng triệu người dân Thành phố Hồ Chí Minh được quan tâm khi mới đây, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố công bố kết quả kiểm tra một số mẫu thực phẩm, trong đó gần 50% mẫu rau quả được lấy ở các chợ đầu mối có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép.

Cụ thể, đã phát hiện hoạt chất carbendazim trên cải ngọt, cải thìa, cải xanh, cải bó xôi, cà chua,...; phát hiện hoạt chất permethrine trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng...; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản. Đáng chú ý, trong nhóm mặt hàng rau, trái cây, cơ quan chức năng cũng phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với 271/570 mẫu (chiếm tỷ lệ 47,54%), trong đó, có nhiều mẫu vượt mức cho phép.

Các chuyên gia cảnh báo, người sử dụng lâu ngày các sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép có thể bị rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Với nhóm kim loại nặng, những chất độc tích tụ gây rối loạn chuyển hóa, suy giảm chức năng gan, thận. Thực tế, mỗi ngày, lượng lương thực, thực phẩm mà người dân thành phố sử dụng rất lớn, với gần 1.980 tấn gạo, 4.200 tấn rau, củ, quả… Từ đó có thể thấy, các con số mà Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố công bố về tỷ lệ thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân thật đáng báo động.

Những năm qua, các cơ quan có chức năng “gác cổng” trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã hết sức nỗ lực để bảo đảm các loại thực phẩm bẩn không xâm nhập vào thành phố. Tuy nhiên, nỗ lực đó phần nào bị ảnh hưởng do hạn chế về nguồn lực, thiết bị máy móc, đặc biệt là cơ chế xử lý. Đại diện Ban An toàn thực phẩm thành phố cho rằng, xử lý thực phẩm bẩn rất khó, do đặc thù hàng hóa cơ quan chức năng không thể yêu cầu tiểu thương “chờ” để nhận kết quả kiểm nghiệm đối với mẫu thử.

Kể cả khi có mẫu kiểm nghiệm và mẫu đó không đạt chuẩn thì toàn bộ số hàng hóa cũng đã “đi vào bàn ăn” của người dân. Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều hạn chế. Giá cả cạnh tranh giữa các mô hình nuôi, trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và không theo các tiêu chuẩn này khiến việc sử dụng hóa chất độc hại vẫn diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương.

Trước thực trạng nêu trên, các địa phương, cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn “luồng đi” của thực phẩm bẩn vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, việc tăng cường các giải pháp liên kết, kiểm tra từ gốc đối với nông dân, hợp tác xã để triển khai các chuỗi thực phẩm an toàn là giải pháp cần được thực hiện hiệu quả và quy mô hơn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm các nhà cung cấp, hộ nông dân, hợp tác xã,… nuôi trồng bất chấp lợi nhuận, có hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; đồng thời việc siết chặt đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rà soát danh mục thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cần được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên hơn nữa.