Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ trẻ em mồ côi vì Covid-19

NDO -

Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 21 nghìn người, khiến hàng nghìn trẻ em trở thành trẻ mồ côi. Thiếu vắng sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ tâm lý của cha mẹ, người thân, khó khăn về vật chất…, hơn lúc nào hết, các em rất cần vòng tay yêu thương, sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện trong thời gian dài.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" thu hút nhiều Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp. (Ảnh: Minh Duy)
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" thu hút nhiều Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp. (Ảnh: Minh Duy)

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Quyết định số 1497 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” ra đời với một ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, nhận được sự tham gia mạnh mẽ của Mạng lưới lãnh đạo nữ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam khối bộ ngành.

Chiều 12/11, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, đã diễn ra Lễ hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân tự nguyện hưởng ứng hoạt động theo khả năng điều kiện của từng người; nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng...

Để trẻ mồ côi sống trong vòng tay cha, mẹ thêm lần nữa sau đại dịch Covid-19 -0
 Lễ hưởng ứng thu hút được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo nữ các cơ quan, ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội. (Ảnh: Minh Duy)

Đối tượng của chương trình là trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 (mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ, không nơi nương tựa, hoặc có người nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn); trẻ mồ côi chưa được nhận đỡ đầu hoặc ít nhận được sự hỗ trợ. Chương trình là nỗ lực của cả cộng đồng xã hội với thông điệp “Không để các trẻ em mồ côi cha, mẹ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn bị bỏ sót, không được hỗ trợ, chăm sóc, đỡ đầu”.

Với tầm ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ và tư vấn của nhiều cơ quan, ban, ngành và doanh nghiệp như Trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí người chưa thành niên Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội), Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty Deloitte Việt Nam,...

Có 2 cách thức thực hiện chương trình. Thứ nhất, cá nhân, tổ nhóm phụ nữ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, bệnh viện. Thứ hai, các tập thể, cá nhân nhận đỡ đầu (gián tiếp) thông qua gia đình, người nuôi dưỡng; hoặc hỗ trợ, tài trợ qua Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tại các cấp hội.

Chương trình được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 1/11/2021 đến ngày 31/12/2022, hỗ trợ và đỡ đầu trẻ em vị thành niên dưới 18 tuổi mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Giai đoạn 2, từ ngày 1/4/2022 đến ngày 31/12/2024, hỗ trợ và đỡ đầu trẻ em vị thành niên dưới 18 tuổi mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn trên toàn 63 tỉnh, thành phố của cả nước trong điều kiện và nguồn lực thực tế của Mạng lưới.

Lễ hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhận được sự ủng hộ và hiện diện của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Để trẻ mồ côi sống trong vòng tay cha, mẹ thêm lần nữa sau đại dịch Covid-19 -0
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. (Ảnh: Minh Duy)

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ tại buổi lễ, mỗi tấm lòng thơm thảo được trao đi trong chuỗi hoạt động nhân văn này đều đáng tôn vinh. Không một cá nhân nào, tập thể nào có thể hoàn thành tốt được sứ mệnh vĩ đại này bằng chính phụ nữ, những người sẽ cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng và đỡ đần các em nhỏ mồ côi bằng tấm lòng yêu thương, che chở, dạy dỗ và bao dung của người bà, người mẹ, người chị. Nhân dịp này, Tòa án nhân dân tối cao chia sẻ khó khăn và động viên chương trình bằng một nguồn hỗ trợ trị giá 200 triệu đồng.

Về phía Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng chí Hà Thị Nga cho biết đã triển khai một loạt những chương trình ý nghĩa huy động sự tham gia của phụ nữ cả nước nhằm hỗ trợ cho những trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Hội cũng đã làm việc với Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội để sớm đề xuất những chính sách “dài hơi” cho chương trình. Hơn hết, đồng chí Hà Thị Nga nhấn mạnh, “Mẹ đỡ đầu” không chỉ là sự quan tâm, khích lệ, động viên, giúp đỡ về mặt tài chính mà còn là sự đóng góp của phụ nữ trong việc từng bước xóa đi những “vết hằn” của cú sốc tâm lý vì đại dịch và đồng hành cùng sự phát triển toàn diện, cũng như định hướng trong cuộc sống của trẻ em mồ côi do Covid-19.  

Để trẻ mồ côi sống trong vòng tay cha, mẹ thêm lần nữa sau đại dịch Covid-19 -0
 Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Minh Duy)