Nông thôn mới ở cuối dãy Trường Sơn

Bình Phước sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã có diện mạo nông thôn khang trang, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là khu vực biên giới, vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
0:00 / 0:00
0:00
Chè ô long, một sản phẩm OCOP của xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.
Chè ô long, một sản phẩm OCOP của xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Đó là nhờ sự kết hợp linh hoạt các nguồn vốn Trung ương và địa phương trong đầu tư xây dựng hạ tầng và các thiết chế văn hóa; huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo.

Xã Lộc Phú của huyện biên giới Lộc Ninh là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, lại có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cho nên khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đã gặp không ít khó khăn, nhất là các tiêu chí “mềm”.

Với phương châm huy động sức dân để lo cho nhân dân; sử dụng các nguồn lực phù hợp và hiệu quả, xã Lộc Phú đã từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Phú cho biết: Năm 2023, huyện ưu tiên bố trí hơn 20 tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, cho nên xã đã hoàn thành cả 19 tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, xã đã có diện mạo hoàn toàn mới, nhất là vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc.

Ấp Bù Linh, xã Lộc Phú có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống khá cao. Nhờ được thụ hưởng từ chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn đã có bộ mặt hoàn toàn mới. Ông Điểu Khơ, người có uy tín ấp Bù Linh cho biết: Trước đây, đồng bào trong ấp phần lớn là hộ nghèo, đường đi lại rất khó khăn. Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường nhựa, xi-măng, nhà văn hóa, xây nhà tình thương, hỗ trợ bò, dê giống, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi… ấp Bù Linh bây giờ đổi thay rất nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm mạnh hằng năm.

Sinh sống hàng chục năm tại tổ 6, ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, nhưng đến nay, gia đình bà Vũ Thị Hà vẫn sử dụng điện bình ắc-quy do khu vực này chưa có điện lưới. Lượng điện của bình sạc chỉ đủ thắp sáng một số bóng đèn điện trong nhà, nhiều hôm gia đình dùng đến 20 giờ là hết bình ắc-quy.

Nhằm chung sức đưa điện về cho nhân dân, Đoàn Thanh niên xã Minh Tâm đã vận động kinh phí lắp đặt bộ năng lượng mặt trời bảo đảm điện cho gia đình bà thắp sáng và sử dụng các thiết bị khác.

Anh Lê Văn Quý, Bí thư Huyện đoàn Hớn Quản cho biết: 19 hộ dân tại tổ 6, cách xa trung tâm xã khoảng 25 km, điện lưới chưa có, người dân chủ yếu sử dụng bình sạc điện và điện năng lượng mặt trời đã cũ. Trước hoàn cảnh của các hộ dân, chúng tôi vận động hỗ trợ bộ năng lượng mặt trời gồm: Tấm pin, bộ chuyển đổi, bình ắc-quy, đèn chiếu sáng, quạt và hệ thống dây dẫn trị giá 144 triệu đồng cho 19 hộ dân.

Năm 2023, 12 “Nhà thanh niên” trị giá hơn 960 triệu đồng đã được tuổi trẻ Bình Phước góp sức xây dựng. Anh Trần Quang Bình, Bí thư Huyện đoàn Bù Gia Mập cho biết: Để phát huy sức trẻ và nhiệt huyết, năm 2023, Huyện đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình “Nhà thanh niên” với mong muốn kêu gọi, huy động từ các bạn trẻ, cá nhân, tập thể trên địa bàn cùng chung tay xây dựng nguồn quỹ. “Nhà thanh niên” là nền móng để đoàn viên thanh niên khó khăn về nhà ở vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở vùng biên giới Bù Gia Mập.

Tại các địa phương, mặc dù nguồn lực đầu tư của Nhà nước thời gian qua còn hạn chế nhưng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “việc nước, việc làng đất vàng cũng hiến”, “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”…, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, người dân cùng vào cuộc thực hiện đạt nhiều thành quả thiết thực.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bình Phước có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 21/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bảy xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và sáu xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao đang được tỉnh thẩm định và công nhận đạt chuẩn thời gian tới.

Thị xã Bình Long, thị xã Phước Long và thành phố Đồng Xoài đã được công nhận đạt chuẩn. Huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành đang hoàn thiện các bước cuối cùng để công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Lường Đình Hải, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước chia sẻ: Năm 2023 có nhiều yếu tố khách quan gây bất lợi cho thực hiện chương trình nông thôn mới như tăng trưởng kinh tế, giá cả nông sản, nhưng chính quyền các cấp đã đạt kết quả vượt trội. Trong năm 2024, tỉnh phấn đấu có năm xã về đích nông thôn mới; một xã cuối cùng về đích năm 2025. Đây là những xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, bởi vậy để cán đích nông thôn mới cần nguồn lực lớn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, ngoài việc đầu tư các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực nông thôn, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bền vững, Bình Phước đặc biệt chú trọng nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trong nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; tăng cường liên kết, phát triển chuỗi giá trị, hệ sinh thái nông nghiệp… Bình Phước cũng chú trọng phân bổ nguồn vốn nhằm tăng thu nhập cho người dân và xóa nghèo bền vững. Trong ba năm trở lại đây, từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, tỉnh đã đầu tư trung bình mỗi năm 90 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất cho nhân dân, như xây dựng mã vùng trồng, thành lập hợp tác xã và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất…

Ngoài ra, Bình Phước cũng chỉ đạo các cấp, các ngành phải sử dụng nguồn vốn hợp lý, có lợi cho nhân dân nhất; đồng thời lồng ghép sử dụng các nguồn vốn một cách hiệu quả. Đơn cử như ở xã Thanh An (huyện Hớn Quản), khi huyện triển khai dự án nước sạch, hợp vệ sinh cho nhân dân, nguồn vốn nông thôn mới cũng lồng ghép giúp nhân dân mua các dụng cụ, như: Bồn chứa nước, bồn lọc nước, bể lọc nước... Tại xã Lộc Phú, khi Nhà nước đầu tư hệ thống hồ đập và kênh dẫn chính để tưới cho các cánh đồng thì nguồn vốn nông thôn mới với sự đóng góp của nhân dân đã xây dựng hệ thống kênh bê-tông nội đồng nhằm nâng cao năng suất cho cây trồng.

Với quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, Bình Phước đang từng bước hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giờ đây, đi đâu cũng thấy đường bê-tông, trường đạt chuẩn, nhà văn hóa, đêm về đèn đường sáng rực các vùng quê, đời sống nhân dân cũng được nâng lên, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn cũng được xóa dần.