Nông sản Hà Tĩnh "chạy đua" thời gian để phục vụ thị trường Tết

NDO - Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, thời điểm này, các cơ sở sản xuất OCOP tại Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đóng gói sản phẩm để kịp phục vụ thị trường. Những năm qua, nhờ đầu tư thiết bị, cải tiến mẫu mã, chất lượng nên các sản phẩm OCOP đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của đông đảo người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác xã thu mua và chế biến thủy, hải sản Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hối hả phục vụ hàng Tết.
Hợp tác xã thu mua và chế biến thủy, hải sản Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hối hả phục vụ hàng Tết.

Những ngày này, Hợp tác xã thu mua và chế biến thủy, hải sản Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp đang tập trung nhân lực để hoàn thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng dịp Tết Nguyên đán.

Hiện nay, Hợp tác xã có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó sản phẩm OCOP 4 sao là nước mắm Luận Nghiệp và 4 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: nước mắm, cá mờm rim lạc, mắm ruốc, sứa ăn liền. Ngoài tiêu thụ trong nước, mới đây, nước mắm Luận Nghiệp đã được xuất khẩu chính ngạch sang Cộng hòa liên bang Nga.

Nông sản Hà Tĩnh "chạy đua" thời gian để phục vụ thị trường Tết ảnh 1

Nguyên liệu chế biến sản phẩm nước mắm được thu mua tận gốc, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Đặng Đình Minh, đại diện Hợp tác xã thu mua và chế biến thủy, hải sản Chiến Thắng cho biết, Hợp tác xã hiện có 11 lao động chính và 5 lao động thời vụ. Dịp cao điểm Tết Nguyên đán này, chúng tôi dự kiến bán ra khoảng 500l nước mắm phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ bán hàng theo cách truyền thống, thời gian gần đây chúng tôi cũng đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng trên mạng xã hội, nhờ đó sản phẩm bán ra cao gấp 3 lần những năm trước.

Tại thành phố Hà Tĩnh, dịp này là thời điểm bận rộn nhất trong năm của các cơ sở OCOP. Một số mặt hàng như bánh ram, cu đơ, trầm hương, rượu nhung hươu… đã xuất bán đơn hàng Tết từ hơn 1 tháng nay. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã sáng tạo thiết kế những giỏ quà, hộp quà đẹp mắt từ chính những sản phẩm OCOP của mình nhằm đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng để biếu tặng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ An Phong (xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh) có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là rượu nhung hươu HUSO, Lộc Liên Tâm trà (trà nhung hươu) và cao nhung hươu HUSO. Hoạt động theo mô hình liên kết với quy trình khép kín với trang trại nuôi hươu sạch ở huyện Hương Sơn cùng với hệ thống dây chuyền máy móc chế biến sâu hiện đại nên các sản phẩm của Công ty rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Anh Hồ Phúc Đồng, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ An Phong cho biết, từ khi tham gia chương trình OCOP, công ty đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua sắm thêm dây chuyền máy móc hiện đại để chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu như máy sấy thăng hoa, máy chiết rót rượu tự động, máy đóng trà tự động, máy chiết cao… Việc các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cũng giúp cho lượng khách hàng tăng lên đáng kể.

Nông sản Hà Tĩnh "chạy đua" thời gian để phục vụ thị trường Tết ảnh 2

Các sản phẩm được chế biến từ nhung hươu phong phú về mẫu mã, chủng loại.

Để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn, mỗi ngày công ty An Phong sản xuất hơn 500 sản phẩm, đặc biệt, từ cách đây hơn một tháng, cơ sở đã nhận nhiều đơn đặt hàng, có đơn hàng giá trị hơn 1,5 tỷ đồng. Nhằm đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng, dịp Tết này, công ty An Phong còn thiết kế các hộp quà Tết đẹp, sang trọng bao gồm các sản phẩm của cơ sở với mức giá dao động từ 800.000 đồng đến 1.500.000 đồng theo nhu cầu của khách hàng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Linh Trang (phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh) có bộ sản phẩm OCOP 4 sao từ trầm hương với thương hiệu trầm hương Tâm Thiên Hương. Thời điểm này cơ sở đang tất bật các khâu đóng gói sản phẩm gửi đi cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Bộ sản phẩm trầm hương của cơ sở Tâm Thiên Hương gồm các sản phẩm: trầm đốt, nhang trầm, nụ trầm, trầm không tăm, bột trầm, vòng trầm… Các sản phẩm có công thức sản xuất khác nhau nhưng đều sử dụng nguyên liệu chính từ cây dó trầm được trồng tại vùng nguyên liệu của gia đình ở “thủ phủ” dó trầm huyện Hương Khê. Từ nguồn nguyên liệu tự nhiên và vi sinh kết hợp nhiều tầng mùi khác nhau, đặc biệt là không sử dụng hóa chất độc hại đã tạo nên mùi thơm ngọt dịu đặc trưng của trầm hương Tâm Thiên Hương.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Linh Trang cho biết: Để chuẩn bị chất lượng tốt nhất cho sản phẩm, cơ sở đã tập trung nguồn nguyên liệu và sản xuất từ cách đây hơn 6 tháng để trầm có thời gian lên được mùi hương đặc trưng nhất. Thời điểm này, công nhân của xưởng đang gia công những công đoạn cuối cùng và đóng gói sản phẩm để trao đến khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất.

Nông sản Hà Tĩnh "chạy đua" thời gian để phục vụ thị trường Tết ảnh 3
Sản phẩm trầm nụ của cơ sở sản xuất hương trầm Hiền Linh (Hương Khê) được thị trường ưa chuộng.

Theo chị Trang, dịp Tết, các sản phẩm như trầm đốt, nụ trầm bán chạy nhất. Công ty cũng đóng nhiều mẫu set quà tặng với mức giá dao động từ 300.000 đồng trở lên là khách hàng đã có thể có một bộ sản phẩm từ trầm hương trao gửi cho người thân. Bên cạnh đó, cơ sở cũng đã sản xuất nhiều mẫu đặt bàn đẹp từ cây dó trầm với giá dao động từ 5-10 triệu đồng. Với quan niệm các vật phẩm dó trầm để trong nhà sẽ xua đuổi tà khí, mang lại sức khỏe, may mắn, tài lộc cho gia đình nên những mẫu cây để bàn làm từ dó trầm đang thu hút khách hàng mua để trong nhà hoặc làm quà biếu tặng.

Đơn hàng liên tục trong những ngày sát tết đã minh chứng cho chất lượng và uy tín của sản phẩm OCOP Hà Tĩnh và hiệu quả của chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện có 250 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trong đó 12 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 238 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”-OCOP đã thực sự trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt có 6 sản phẩm xuất khẩu sang các nước, gồm: bánh ram Anh Thu (Hàn Quốc), bánh ram Nam Chi (Hàn Quốc), cu đơ Bà Hường (New Zealand), bánh đa vừng Nguyên Lâm (Nga, Nhật Bản), sứa Mai Dung (Nhật Bản), nước mắm Luận Nghiệp (Nga, Australia).

Nông sản Hà Tĩnh "chạy đua" thời gian để phục vụ thị trường Tết ảnh 4

Đóng gói sản phẩm hương trầm tại thủ phủ dó trầm Phúc Trạch (Hương Khê).

Để các sản phẩm chủ lực của địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ, trong năm 2023, công tác xúc tiến thương mại được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng.

Ông Dương Hữu Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường thông qua các hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại.

Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP của địa phương cũng được hỗ trợ kết nối lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Voso, Sendo…, hỗ trợ các chủ thể livestream bán hàng trực tuyến; tổ chức triển làm 3D thực tế ảo...

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ cơ sở tiêu thụ sản phẩm dịp cuối năm, vừa qua Sở Công thương Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh và hiện đang hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ cơ sở xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh ngày càng đa dạng, được đầu tư về mẫu mã và công nghệ chế biến sâu nên được khách hàng tại các thị trường ưa chuộng, yên tâm về chất lượng sản phẩm nên doanh thu dịp Tết tăng mạnh.