Nông nghiệp Quảng Ngãi tăng trưởng khá sau tái cơ cấu

NDO - Chiều 20/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025. 
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Quảng Ngãi đạt kết quả khá toàn diện sau gần 3 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tỉnh Quảng Ngãi đạt kết quả khá toàn diện sau gần 3 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, sau gần 3 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước tăng trưởng khá, cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng. Qua đó, diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên, từng bước giảm dần khoảng cách thu nhập người dân nông thôn và thành thị.

Cụ thể, diện tích gieo trồng hằng năm ổn định, sản xuất lúa công nghệ cao, hữu cơ đã được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã chuyển đổi hơn 2.226 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho thu hoạch khá, có hiệu quả, nâng cao được giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích sản xuất (cao hơn trồng lúa trung bình từ 10-20 triệu đồng/ha).

Nông nghiệp Quảng Ngãi tăng trưởng khá sau tái cơ cấu ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Toàn tỉnh thực hiện 65 cánh đồng lớn với tổng diện tích 1.157 ha, năng suất bình quân ước đạt 69,6 tạ/ha; triển khai nhiều mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa và mô hình ứng dụng biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau; cấp 9 mã số vùng trồng nội địa và 1 mã số vùng trồng xuất khẩu. Từ đó, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác các loại cây trồng qua các năm đều tăng, ước đạt 104 triệu đồng/ha, vượt kế hoạch đề ra.

Nông nghiệp Quảng Ngãi tăng trưởng khá sau tái cơ cấu ảnh 2

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Trọng Phương phát biểu tại hội nghị.

Đối với chăn nuôi, đã từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại. Trong đó, nhiều trang trại chăn nuôi ứng dụng chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, thân thiện với môi trường; một số cơ sở chăn nuôi còn liên kết với người nông dân, ký hợp đồng bền vững giúp bà con an tâm sản xuất, lợi nhuận ổn định.

Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã áp dụng thành công nhiều mô hình nuôi tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đa dạng đối tượng nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nông nghiệp Quảng Ngãi tăng trưởng khá sau tái cơ cấu ảnh 3

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi áp dụng nhiều mô hình nuôi tiên tiến, mang lại hiệu quả cao.

Lĩnh vực thủy lợi, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đã triển khai hoàn thành hệ thống xây dựng cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa nước trên nền tảng WebGis; hệ thống cảnh báo sớm về mưa, lũ được xây dựng, lắp đặt rộng khắp trên toàn tỉnh và cung cấp miễn phí cho người dân thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động Vrain.

Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đặt mục tiêu chủ yếu của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng từ 4-5%/năm; giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác nông nghiệp đạt 100 triệu đồng; toàn tỉnh có 120 xã và 7 huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả và bàn giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Nông nghiệp Quảng Ngãi tăng trưởng khá sau tái cơ cấu ảnh 4

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi có 166 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đánh giá cao việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2023 đã đạt được kết quả khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch đạt, vượt so với mục tiêu đề ra.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển nhiều mô hình có hiệu quả, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh.

Nông nghiệp Quảng Ngãi tăng trưởng khá sau tái cơ cấu ảnh 5

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân trong phát triển nông nghiệp.

Quan tâm công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khâu chế biến nông sản và hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất nông nghiệp. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh. Quan tâm phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản để tìm đầu ra bền vững đối với sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng để tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm đặc trưng của địa phương…