Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 180 cánh đồng lớn với diện tích gần 3.000 ha. Tại những vùng sản xuất theo cánh đồng lớn giúp năng suất lúa đạt cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trong đó, vụ đông xuân, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha đối với lúa thuần và 85 tạ/ha đối với lúa lai; vụ hè thu năng suất đạt 67 tạ/ha, cao hơn so với trồng đại trà từ ba đến bảy tạ/ha. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác như rau, ngô, ớt, lạc… được hơn 5,3 nghìn ha. Việc chuyển đổi được thực hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là ở khu vực đồng bằng, trong đó các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành có diện tích chuyển đổi nhiều nhất. Nhìn chung, sau chuyển đổi giá trị thu nhập của các loại cây trồng cao hơn nhiều so với trồng lúa. Điển hình như cây ngô tăng 9,4%, lạc tăng 32,2%, nhất là cây ớt thu nhập cao gấp hơn 3,8 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Qua thống kê, từ khi chuyển đổi các vùng đất cấy lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác đã giúp tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác từ 11 đến 133 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, trong năm 2017, các địa phương đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất luân canh, xen canh với diện tích khoảng 800 ha đạt hiệu quả cao. Trong đó, mô hình trồng rau các loại ở xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi với diện tích 5 ha đạt giá trị sau thu hoạch hơn 210 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng ớt-rau tại xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi với diện tích 3 ha cho thu nhập hơn 210 triệu đồng/ha/năm. Hay mô hình trồng rau ăn lá theo hướng an toàn tại xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi với diện tích 10 ha đạt giá trị sau thu hoạch hơn 270 triệu đồng/ha/năm. Cũng nhờ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp Quảng Ngãi chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi từ quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 34 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có hai trang trại chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động hướng dẫn các địa phương điều chỉnh cơ cấu vùng nuôi trồng thủy sản, các đối tượng chủ lực, có thị trường tiêu thụ tốt nhằm bảo đảm đầu ra cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2017, diện tích mặt nước thả nuôi toàn tỉnh khoảng 1.400 ha, sản lượng đạt gần 7.000 tấn.
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Quảng Ngãi còn gặp những khó khăn do sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa bước đầu đã hình thành và mang lại hiệu quả nhưng quy mô còn nhỏ; phần lớn nông sản bán ra thị trường chủ yếu ở dạng thô, chưa qua chế biến cho nên giá trị thấp. Hơn nữa, việc xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển mang tính chiến lược còn gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường biến động. Việc tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn hạn chế; chưa tạo được mối liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, cho nên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều. Các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất theo quy trình VietGAP chưa nhiều. Vì vậy, chưa tạo được sự chuyển biến từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ theo hướng hiện đại.
Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, Quảng Ngãi xác định những sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế, khả năng nâng cao giá trị gia tăng của địa phương để tổ chức sản xuất; rà soát lại chuỗi sản xuất, kinh doanh nhằm tìm ra khâu nào có khả năng nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm đó để thực hiện. Trong đó, sẽ chuyển sản xuất từ coi trọng số lượng sang chất lượng thông qua các giải pháp như ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, có biện pháp tích tụ ruộng đất, trong đó chú trọng dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng cơ giới hóa, khoa học - công nghệ tiên tiến. Từ đó làm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như các công trình tưới, tiêu, ngăn mặn, giữ ngọt, đê điều để vừa phục vụ vừa bảo vệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ổn định thị trường lâu dài.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh thu hút 18 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có năm dự án, chăn nuôi 11 dự án và hai dự án tổng hợp với diện tích sử dụng đất hơn 472 ha.