Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Cao Bằng đã xuất hiện nhiều cá nhân năng động, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao. Những điển hình này đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong hỗ trợ, giúp đỡ, truyền cảm hứng cho nhiều gia đình có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Nguyễn Hồng Minh, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) chăm sóc cây bưởi da xanh tại trang trại của gia đình.
Nông dân Nguyễn Hồng Minh, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) chăm sóc cây bưởi da xanh tại trang trại của gia đình.

Năm 2021, chị Nguyễn Hồng Minh ở thành phố Cao Bằng đã đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Chia sẻ về quá trình phát triển sản xuất của bản thân, chị Minh cho biết, đầu những năm 2000 bắt đầu khởi nghiệp phát triển kinh tế vườn rừng trên khu đất rừng rộng 7,3ha. Do thiếu kinh nghiệm, lựa chọn cây trồng và giống chưa chính xác nên chị phải liên tục “trồng rồi chặt, rồi lại trồng và lại chặt”.

Trải qua nhiều thất bại và quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2007, chị Minh bắt đầu tìm được hướng đi chính xác khi trồng những cây ăn quả được thị trường đón nhận, giá cả ổn định, không bấp bênh, mất giá. Vườn cây ăn quả của chị hiện có hơn 1.000 cây hạt dẻ, 200 cây trám đen, 600 cây bưởi da xanh, 300 cây mận và 700 cây ổi... Đáp ứng tiêu chí sạch, ngon, nên trái cây của gia đình trồng được không đủ bán, nhiều tư thương chủ động tìm đến chị để bao tiêu sản phẩm, mua về sử dụng. Năm 2022, thu nhập từ trái cây ăn quả của chị Minh đạt 700 triệu đồng.

Cũng theo chị Nguyễn Hồng Minh, bên cạnh việc tích lũy kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn được giống cây trồng chất lượng, cho ra trái phù hợp nhu cầu thị trường. Chị Minh mong muốn, các nhà khoa học nghiên cứu, cung cấp cho nông dân giống cây trồng chất lượng, đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng giống cây trồng, bởi vì trên thị trường còn không ít đơn vị cung cấp giống cây trồng chất lượng kém, không như quảng cáo, giới thiệu.

Cùng làm ăn giỏi như chị Nguyễn Hồng Minh, tại Cao Bằng xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như chị Riêu Thị Mới, ở thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tổng thu nhập năm 2022 đạt 560 triệu đồng; chị Nông Thị Dung, ở phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng phát triển chăn nuôi lợn và trồng rừng, thu nhập năm 2022 đạt 1,4 tỷ đồng...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, Dương Hùng Dũng, năm 2022 tỉnh có 10.615 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó có 33 hộ đạt danh hiệu cấp trung ương. Hội đã luôn chủ động, tích cực đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đã đồng bộ triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, từ trưng bày, giới thiệu đến tham gia tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đồng thời ký hợp đồng cho nông dân nhận phân bón, vật tư nông nghiệp trả chậm trị giá 5,9 tỷ đồng để đầu tư sản xuất.

Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp, tăng cường hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, Hội đã tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho 750 nông dân và hỗ trợ tạo lập 234 tài khoản mua, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, tạo lập thêm kênh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Ngoài ra, Hội xây dựng các mô hình phát triển sản xuất tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh để nông dân học tập và làm theo, như mô hình trồng cây thạch đen ở huyện Thạch An; nuôi vịt cỏ ở huyện Trùng Khánh; chăn nuôi bò sinh sản ở huyện Hòa An... Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đã triển khai cho hội viên vay hơn 67 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Dương Hùng Dũng cho biết: Trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của địa phương, số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi vẫn còn ít. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và tổ chức các mô hình phát triển sản xuất ở vùng sâu, vùng xa để nông dân học tập, làm theo, sáng tạo, vươn lên.