Nội lực Thanh Ba

Là huyện vùng trung du đồi thấp của tỉnh Phú Thọ, mặc dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nhờ biết khơi dậy và phát huy nội lực của địa phương, nhất là sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân, huyện Thanh Ba đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hướng đến trở thành miền quê đáng sống ở vùng trung du Bắc Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn hóa khu 14, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba. (Ảnh VĂN ĐẠI)
Nhà văn hóa khu 14, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba. (Ảnh VĂN ĐẠI)

Chỉ cho chúng tôi xem đoạn đường trước nhà mới được mở rộng, trải bê-tông phẳng lỳ, hai bên là những chậu hoa nở rộ, ông Vi Xuân Cây ở khu 17, xã Đông Thành nói, con đường này ngày trước là đường đất nhỏ hẹp, toàn rãnh xe bò, mưa là lầy lội, nắng thì bụi mịt mù. Từ khi xây dựng nông thôn mới, đường được mở rộng gấp đôi, bây giờ hai, ba xe ô-tô tránh nhau thoải mái. Gia đình ông Cây đã đập tường rào, hiến tổng cộng 180 m2 đất qua hai lần mở rộng đường. Ông Cây chia sẻ, mở rộng đường thì mình hưởng là chính, bây giờ có công có việc gì cũng thuận tiện...

Không chỉ gia đình ông Cây, rất nhiều gia đình ở xã Đông Thành đã tích cực hiến đất, đóng góp công sức để mở rộng và nâng cấp đường làng, ngõ xóm. Là xã miền núi thấp thuộc tiểu vùng 3 của huyện Thanh Ba, xã Đông Thành vốn có hệ thống giao thông khó khăn, chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, tuy nhiên đến nay, hầu hết hệ thống giao thông của xã được mở rộng và trải bê-tông. Bí thư Đảng ủy xã Đông Thành Hà Anh Tuấn cho biết, người dân đều đồng tình hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, ngoài đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng còn đầu tư tu sửa nhà cửa, khuôn viên làm thay đổi bộ mặt quê hương. Năm 2023 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến nay, toàn bộ 18 xã của huyện Thanh Ba đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2023 huyện Thanh Ba được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện có 22/194 khu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân mỗi xã có 1 khu. Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Thanh Ba có nhiều thay đổi. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được bảo đảm với 88/88 km đường được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa; đường thôn/xóm được cứng

hóa bảo đảm không lầy lội vào mùa mưa. Các tuyến đường có chiều rộng nền đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. 100% số trường THPT, THCS và mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tất cả các xã, thị trấn đều có nhà văn hóa đa năng theo quy định; 204/204 thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, sân thể thao, có trang bị một số thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí để trẻ em, người cao tuổi hoạt động văn hóa, thể thao; 100% số thôn hoàn thành xây dựng và triển khai việc thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với thực tế của địa phương.

Huyện chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, gắn với lựa chọn, xây dựng sản phẩm OCOP. Trên địa bản huyện có 21 sản phẩm OCOP, trong đó có: 8 sản phẩm đạt 3 sao, 12 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện để thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, huyện đã phát động người dân trồng hơn 50 km cây xanh, đường hoa; thành lập các tổ, đội thu gom rác thải thường xuyên hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường; các tuyến đường làng, ngõ xóm, kênh mương ao hồ và các khu vực công cộng được vệ sinh thường xuyên.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba Nguyễn Chí Thành cho biết, thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng. Từ năm 2011-2022, huyện Thanh Ba đã huy động tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 4.844,9 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng dân cư bao gồm tiền, ngày công, hiến đất, vật kiến trúc, làm đường,... quy ra tiền được 1.649,5 tỷ đồng.

Huyện xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, liên tục, lâu dài; khi đạt và hoàn thành các nhiệm vụ rồi thì không chủ quan mà phải tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí hơn nữa. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, phát triển bền vững; tăng cường kiểm tra, giám sát, minh bạch trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; có những giải pháp kịp thời để duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được để hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.

Về Thanh Ba hôm nay, ai cũng ấn tượng trước một miền quê trung du đang từng ngày “thay da đổi thịt”, nhưng vẫn giữ được không khí trong lành, giữa mầu xanh tươi cây lá. Những ngôi nhà mới xây đẹp đẽ, ẩn hiện dưới những tán cây xanh mát khiến mọi người đều liên tưởng và mơ ước về một miền quê đáng sống. “Huyện phấn đấu giai đoạn 2023-2025 mỗi năm có 1-2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lũy kế đến hết năm 2025 có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn-đô thị và kết nối các vùng miền; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao; môi trường cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp.

Huyện Thanh Ba đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới thông minh, đồng chí Nguyễn Chí Thành chia sẻ.