Nỗi lo khủng hoảng di cư ở khu vực Mỹ Latin

Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cảnh báo hàng nghìn người có nguy cơ phải rời khỏi Ecuador và Haiti năm 2024 do khủng hoảng nhân đạo, bạo lực leo thang, biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng. Nhận định này như xát thêm muối vào "vết thương" di cư bất hợp pháp vốn đang nhức nhối ở châu Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Những người xin tị nạn, chủ yếu đến từ Venezuela, nghỉ ngơi trong lều do chính quyền Mexico dựng gần biên giới ở Nuevo Laredo, Mexico, ngày 27/6/2023. Ảnh minh họa: REUTERS
Những người xin tị nạn, chủ yếu đến từ Venezuela, nghỉ ngơi trong lều do chính quyền Mexico dựng gần biên giới ở Nuevo Laredo, Mexico, ngày 27/6/2023. Ảnh minh họa: REUTERS

Báo cáo của IRC chỉ rõ rằng, Ecuador và Haiti đã trải qua nhiều cuộc di cư lớn những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế, lương thực và an ninh của hai nước này suy giảm.

Theo cơ quan di cư Panama, năm 2023, hơn 57.000 người Ecuador và 46.000 người Haiti đã vượt qua khu rừng rậm nguy hiểm Darien, biên giới tự nhiên giữa Colombia và Panama, để tiến về phương bắc trong hành trình đi tìm "giấc mơ Mỹ". Con số biết nói này vượt xa kỷ lục buồn ghi nhận năm 2022.

Người đứng đầu cơ quan IRC khu vực, ông Julio Rank Wright, dẫn các số liệu cho thấy cuộc khủng hoảng ở Haiti và Ecuador đang tạo ra hiệu ứng domino trên toàn khu vực Mỹ Latin.

Theo đại diện IRC, xung đột giữa lực lượng Chính phủ Ecuador và các nhóm tội phạm đang gia tăng, đe dọa tính mạng và cuộc sống thường nhật của người dân. Ngoài ra, Ecuador có nguy cơ phải hứng chịu lũ lụt do hiện tượng khí hậu El Nino gây ra, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực.

Chính quyền Ecuador cáo buộc các băng đảng buôn bán ma túy gia tăng hoạt động khiến tình trạng bạo lực ngày càng trở nên trầm trọng, trong đó có vụ tấn công mới đây vào bệnh viện, bắt giữ con tin, gây hoang mang dư luận.

Trong nỗ lực đối phó làn sóng bạo lực, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa vừa phát động một cuộc tổng tấn công quân sự vào các băng nhóm tội phạm, nhằm trả lại sự bình yên cho người dân nước này.

Cảnh sát Ecuador cũng vừa phối hợp cảnh sát Tây Ban Nha thực hiện 57 cuộc truy quét tại sáu tỉnh của Ecuador và bốn thành phố của Tây Ban Nha, bắt giữ ít nhất 30 đối tượng liên quan hoạt động rửa tiền và buôn bán ma túy.

Trong khi đó, vấn nạn tội phạm như bắt cóc, cướp của và giết người không ngừng gia tăng tại đất nước Haiti nghèo khó với gần 11,5 triệu dân. Các băng nhóm vũ trang thậm chí còn chiếm giữ một số cảng chính của Haiti và gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa tiêu dùng. Các băng nhóm tội phạm cũng mở rộng phạm vi hoạt động, vươn những "vòi bạch tuộc" tới các vùng nông thôn, chiếm đất nông nghiệp và đe dọa tính mạng nông dân, khiến tình trạng mất an ninh lương thực tại Haiti càng trở nên trầm trọng hơn trong năm 2024.

Hội Bảo vệ Nhân quyền Haiti (Ordedh) cho biết, chỉ trong 15 ngày đầu tiên của năm 2024, Haiti ghi nhận 63 người, bao gồm thanh niên, phụ nữ, thành viên cộng đồng và cả các phần tử tội phạm, thiệt mạng do làn sóng bạo lực.

Văn phòng Liên hợp quốc tại Haiti cho biết trong năm 2023, có tới 8.400 người là nạn nhân của bạo lực băng nhóm, tăng 122% so với năm 2022, chủ yếu tập trung tại thủ đô Port-au-Prince. Ðại diện Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại khi có khoảng 300 băng nhóm kiểm soát 80% thủ đô của Haiti và gây ra 83% số vụ giết người và gây thương tích trong năm ngoái. Các băng nhóm đã bắt cóc gần 2.500 người năm 2023, tăng hơn 80% so với năm 2022. Các băng nhóm đang mở rộng hoạt động về phía bắc đến vùng Artibonito, nơi được coi là vựa lúa mì của Haiti. Trong khi đó, tội phạm có vũ trang thực hiện nhiều cuộc tấn công quy mô lớn ở phía nam thủ đô để kiểm soát các khu vực trọng điểm. Mặc dù Liên hợp quốc đã phê chuẩn kế hoạch triển khai một lực lượng đa quốc gia, do Kenya đứng đầu, tới Haiti giúp trấn áp các băng nhóm tội phạm vũ trang, song kế hoạch này đang đối mặt khó khăn về tổ chức và tài chính, và chưa biết khi nào có thể triển khai.

Nhiều người dân Ecuador và Haiti cho biết, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải chạy trốn khỏi bạo lực; buộc phải di cư, kể cả di cư bất hợp pháp nhằm giữ an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình.

Trong bối cảnh đó, IRC kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng hỗ trợ hai quốc gia này đối phó tình trạng bạo lực, nghèo đói và khủng hoảng nhân đạo, trong đó có cam kết về tài chính, trong bối cảnh gần một nửa dân số Haiti cần viện trợ nhân đạo và khoảng 40% người dân Ecuador đang sống dưới mức nghèo khổ.