Mexico và Mỹ đã nhất trí duy trì việc mở cửa các khẩu biên giới giữa hai nước trong nỗ lực giải quyết vấn đề người di cư.
Trước đó, một số cửa khẩu đường sắt chủ chốt giữa hai nước đã tạm thời bị đóng cửa nhằm ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt tràn vào Mỹ.
Thông tin trên được Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador công bố sau cuộc gặp với phái đoàn cấp cao của Mỹ, gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas và Cố vấn An ninh Nội địa Nhà Trắng Elizabeth Sherwood-Randall.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại trước tình trạng làn sóng người di cư tràn qua Mexico để tìm cách nhập cư vào Mỹ gia tăng.
Phát biểu với báo giới sau tại thủ đô Mexico City vào ngày 28/12, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận, theo đó, các cửa khẩu biên giới bao gồm cửa khẩu đường sắt giữa Mexico và Mỹ sẽ mở cửa trở lại.
Trước đó, ngày 27/12, Mexico và Mỹ đã nhất trí thành lập Ủy ban chung chuyên trách giải quyết vấn đề người di cư, trong đó có nhiệm vụ phối hợp hỗ trợ cải thiện tình hình kinh tế tại các nước trong khu vực và đối thoại thường xuyên với các quốc gia là nơi xuất phát của dòng người di cư.
Ngoài ra, tại cuộc gặp lần này, quan chức hai nước cũng thảo luận biện pháp đối phó với hoạt động của các băng nhóm ma túy buôn bán trái phép fentanyl từ Mexico vào Mỹ.
Nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn bán fentanyl xuyên biên giới đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với cử tri Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson ngày 21/12 đã gửi thư tới Nhà Trắng kêu gọi Tổng thống Biden có biện pháp hành pháp để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép ở biên giới phía nam.
Ông đề nghị người đứng đầu Nhà Trắng nên “đàm phán với Mexico để khôi phục chương trình buộc người nhập cư trái phép ở lại Mexico.”
Các cuộc đàm phán tại Quốc hội Mỹ nhằm thắt chặt chính sách biên giới đã tăng tốc trong những tuần gần đây, trong đó tại Thượng viện đang thảo luận nội dung thay đổi quy định về tị nạn và biên giới.
Đảng Cộng hòa coi vấn đề này là một điều kiện để thông qua đề xuất gói viện trợ dành cho nước ngoài trị giá 110,5 tỷ USD của đảng Dân chủ, trong đó có nguồn hỗ trợ cho Ukraine.