Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng dự.
Chiều nay, trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2024, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã đi sâu phân tích thực trạng nền kinh tế và những khó khăn, thách thức mà tỉnh Quảng Bình đang gặp phải.
Đáng chú ý là ý kiến phát biểu của đồng chí Dương Văn Hùng, Phó trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về các khoản nợ đọng thuế.
Đồng chí Hùng cho biết, thời gian qua, mặc dù cơ quan thuế đã quyết liệt đôn đốc và cưỡng chế thu nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và chính quyền địa phương để xử lý nợ đọng thuế.
Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thuế còn hạn chế, nợ đọng thuế vẫn ở mức cao.
Đến 30/6, tổng nợ thuế toàn tỉnh là 2.750,6 tỷ đồng, tăng 1.631,7 tỷ đồng (tăng 145,8%) so với với thời điểm 31/12/2023, chiếm 18,7 % so với tổng thu ngân sách, cao hơn nhiều so với tỷ lệ cho phép của Bộ Tài chính (dưới 5%). Trong đó nợ khó thu là 75,9 tỷ đồng.
Quảng Bình công khai 42 doanh nghiệp nợ thuế hơn 743 tỷ đồng
Qua quá trình theo dõi, làm việc nắm bắt vấn đề, đồng chí Dương Văn Hùng phân loại đối tượng nợ đọng thuế, gồm:
Nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thu hồi công nợ, khả năng thanh toán thấp dẫn đến nợ thuế như: Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 1 nợ 81,3 tỷ đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp tàu thủy Quảng Bình 38,2 tỷ đồng...
Nhóm doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản, khu nghỉ dưỡng chậm triển khai dự án làm phát sinh nợ tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp lớn như: Công ty cổ phần khai thác sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành 146,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cosevco 6 hơn 17 tỷ đồng, Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn Quảng Bình 14,1 tỷ…
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC tại Quảng Bình bị đình trệ trong thời gian dài làm tăng đột biến tiền nợ thuế. |
Nhóm doanh nghiệp phát sinh tiền thuê mặt đất thu một lần cho cả thời gian thuê trong năm 2022 làm tăng đột biến tiền nợ thuế: Tập đoàn FLC 294,2 tỷ đồng, Công ty TNHH Sơn Hải Riverside 60,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Việt Group Central 24,5 tỷ đồng.
Một số đơn vị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đưa vào Hệ thống quản lý thuế tập trung theo dõi nợ tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn làm tăng nợ tiền sử dụng đất như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Sơn Hải Riverside 1.027,4 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Minh Tiến 204,7 tỷ đồng, Công ty cổ phần Việt Group Central 62,9 tỷ đồng...
Từ thực tế đó, Phó trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Dương Văn Hùng đề nghị, Cục Thuế tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện biện pháp thu nợ nhằm bảo đảm chỉ tiêu thu nợ và không để phát sinh nợ mới; tăng cường quản lý, đôn đốc nộp nợ thuế; áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo luật định để thu nợ thuế đối với đơn vị chây ì, thiếu ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước.
"Cục Thuế tỉnh tiếp tục phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh tiến hành khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách; thu nợ đọng thuế qua công tác hoàn thuế; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thu nợ đọng thuế qua việc cấp, gia hạn quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu nợ đọng thuế qua cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án của các doanh nghiệp", đồng chí Dương Văn Hùng đề nghị.