Thu hồi đất đối với các dự án chây ỳ nợ thuế

Đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài, các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để sớm xử lý thu hồi nợ thuế. 
0:00 / 0:00
0:00
Thu hồi đất đối với các dự án chây ỳ nợ thuế

Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết của Quốc hội, được thực hiện đến hết ngày 30/6/2024.

Bộ Tài chính cho biết: trong giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng và dự kiến đối với những giải pháp đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, theo thông tin về diễn biến kinh tế-xã hội thời gian qua do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, có thể thấy hiện có nhiều điểm tích cực từ tốc độ tăng trưởng GDP; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI); Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa; Tổng thu ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so cùng kỳ năm trước; so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu...

Ở trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế-xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2%; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.

Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng

Đánh giá tác động đến Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trong 3 tháng đầu năm 2024, số thuế giá trị gia tăng được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu giảm vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến số thu giảm khoảng 23,488 nghìn tỷ đồng. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng.

Để bảo đảm số thu ngân sách Nhà nước đã được giao, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế sẽ dồn trọng tâm thu vào các biện pháp quản lý thuế theo hướng công bằng và minh bạch thuế.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã gửi công văn tới lãnh đạo các địa phương về công tác này, trong đó nhấn mạnh công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế.

Bộ Tài chính đề nghị địa phương thành lập ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn, do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban. Nếu đã thành lập ban này thì cần rà soát, bổ sung nhiệm vụ cho ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động chi tiết để triển khai thực hiện.

Ban chỉ đạo rà soát danh sách người nộp thuế có nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng người nộp thuế, báo cáo UBND tỉnh, thành phố và tổ chức làm việc để đôn đốc thu hồi nợ thuế. Định kỳ hằng tháng, Ban chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động với UBND tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính (qua Tổng cục Thuế) để theo dõi và chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn (ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Công an, Thông tin truyền thông, Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Tài chính, Xây dựng, Quản lý xuất nhập cảnh...) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng thuế.

Đặc biệt, đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài, các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để sớm xử lý thu hồi nợ thuế. Đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, Ban chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thực hiện việc thu hồi đất theo quy định.