Nỗ lực vươn lên sau 30 năm tái lập tỉnh

Tỉnh Bình Thuận được tái lập sau khi tách ra từ tỉnh Thuận Hải vào năm 1992. Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, Trung ương cũng như sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phát huy tiềm năng, thế mạnh và các lợi thế riêng có, Bình Thuận đã vượt khó vươn lên và đạt được những thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo tiền đề cho Bình Thuận phát triển mạnh trong những năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).
Một góc thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).

Từ năm 1992 đến nay, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đặc biệt, những thành tựu nổi bật trong phát triển hệ thống thủy lợi, du lịch và năng lượng đã và đang từng bước đưa Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới của khu vực Nam Trung Bộ.

Dấu ấn từ những công trình thủy lợi

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ có lượng mưa trung bình hằng năm thấp so với cả nước. Tình trạng khô hạn kéo dài, thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Khắc phục những trở ngại của thiên nhiên, tìm các giải pháp để chủ động được nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là vấn đề mà Bình Thuận luôn ưu tiên hàng đầu trong suốt chặng đường phát triển của mình.

Sau khi tái lập tỉnh, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng sự tập trung nguồn lực của địa phương, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi. Từ một địa phương chủ yếu có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đưa vào khai thác sử dụng trải rộng trên hầu khắp các địa phương với tổng mức đầu tư gần 7.477 tỷ đồng, trong đó có 49 hồ chứa. Tổng dung tích các hồ chứa khoảng 442 triệu mét khối với năng lực tưới thiết kế là 73.300ha, tăng 41.000ha so với năm 2001 chỉ có 32.300ha.

Một số công trình thủy lợi lớn đã phát huy hiệu quả cao như: hồ Sông Quao, dung tích 73 triệu mét khối; hồ Cà Giây, dung tích 37 triệu mét khối; hồ Lòng Sông, dung tích 36,8 triệu mét khối; hồ Sông Móng, dung tích 37 triệu mét khối.

Để khai thác cao nhất hiệu quả những công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, đồng thời tận dụng triệt để nguồn nước xả từ các nhà máy thủy điện, tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng hệ thống kênh chuyển nước, còn gọi là kênh “nối mạng” chuyển nước từ những nơi thừa tới những khu vực khô hạn, hoặc bổ sung nguồn nước cho những hồ thủy lợi thường xuyên cạn kiệt vào mùa khô.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, hiện nay, Bình Thuận đã đưa vào sử dụng 15 kênh nối mạng với tổng chiều dài 265km, với năng lực thiết kế 37.700ha, trong đó tiếp nước ổn định khu tưới đã có là 19.700ha và mở rộng khu tưới 18.000ha.

Kết quả đầu tư các công trình thủy lợi từ khi tái lập tỉnh đã nâng tổng diện tích gieo trồng được tưới của Bình Thuận từ 32.600ha (năm 1992) tăng lên hơn 115.000ha (cuối năm 2021).

Có nước, những vùng đất khô cằn đang bị hoang mạc hóa đã được đánh thức. Hàng chục nghìn hộ dân được thụ hưởng từ những công trình thủy lợi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Cùng với đó là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân trong tỉnh cũng như phục vụ nhu cầu nước cho các ngành kinh tế khác.

Nhờ tập trung đầu tư, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, cùng với đó kết hợp với tổ chức thâm canh, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng trên địa bàn tỉnh. Năng suất lúa từ 29,9 tạ/ha (năm 1992) tăng lên 58,9 tạ (năm 2022); sản lượng lương thực từ 180.242 tấn (năm 1992) tăng lên 846.626 tấn (năm 2022), gấp 4,7 lần.

Có thể nói, phát triển thủy lợi là một trong những thành tựu nổi bật nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận từ khi tái lập tỉnh đến nay.

Du lịch dần trở thành kinh tế mũi nhọn

Năm 1992, sau khi tái lập tỉnh, ngành du lịch của Bình Thuận gần như không hiện hữu trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. Sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/1995 mà Phan Thiết là tâm điểm đã khơi dậy tiềm năng du lịch phong phú, quý giá, đánh dấu cho sự vươn lên đầy ấn tượng của du lịch Bình Thuận. Thương hiệu du lịch Bình Thuận ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 382 dự án đầu tư du lịch với tổng vốn đăng ký hơn 70.200 tỷ đồng, trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 594 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 17.433 phòng và khoảng 1.000 căn hộ, biệt thự du lịch cho thuê.

Tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch dọc khu vực ven biển, trong đó có một số dự án có quy mô đầu tư lớn, tổ hợp du lịch-dịch vụ, như dự án đô thị du lịch kiểu mẫu NovaWorld Phan Thiết của Tập đoàn Novaland với quy mô gần 1.000ha… Đáng chú ý, năm 2020, Mũi Né ở thành phố Phan Thiết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế.

Nỗ lực vươn lên sau 30 năm tái lập tỉnh ảnh 1

Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đã được đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động, cùng với việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, du lịch tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử-văn hóa…

Lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng năm 2019 đạt 6,4 triệu lượt, gấp 513 lần so với năm 1992, tăng bình quân 26%/năm, trong đó có 774 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 80 lần so với năm 1992, tăng bình quân 17,6%/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2019 đạt 15.200 tỷ đồng, gấp 2.516 lần so với năm 1992, tăng bình quân 33,6%/năm. Thời gian lưu trú của khách ngày càng dài hơn, tỷ lệ du khách quay trở lại cao hơn.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, du lịch phát triển đã giải quyết thêm nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương nhất là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển; làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ở các vùng du lịch.

Bình Thuận hiện đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao biển, du lịch tín ngưỡng, biển đảo… Từ năm 2017 đến năm 2019, hằng năm du lịch đóng góp vào tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) lần lượt tăng từ 8,82% lên 9,97%.

Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. Sau 30 năm, du lịch Bình Thuận ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế; dần khẳng định vai trò và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Từng bước trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ có khí hậu rất khắc nghiệt, nằm trong khu vực nhiều nắng, gió, lượng mưa trung bình hằng năm thấp nhất cả nước, khô hạn kéo dài. Với sự phát triển của khoa học-công nghệ, bằng sự chọn hướng đi đúng và trúng, Bình Thuận đã biến những khó khăn, thách thức đó thành những tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là năng lượng tái tạo. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển xanh và bền vững. Bình Thuận đã đưa ra nhiều chính sách và triển khai nhiều biện pháp tạo điều kiện tốt nhất thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực này.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 108 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư, trong đó có 88 dự án điện mặt trời và 25 dự án điện gió. Trong đó, 26 nhà máy điện mặt trời đã hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 1.072MW; 10 nhà máy điện gió đã hoàn thành, vận hành phát điện thương mại với tổng công suất 335MW. Các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động đã cung cấp sản lượng điện cho hệ thống hơn 2 tỷ kWgiờ/năm. Đây là một nguồn bổ sung rất hữu ích cho hệ thống điện quốc gia và khu vực khi nhu cầu phát triển các nguồn điện đang rất cấp thiết.

Đến nay, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện (gồm có nhiệt điện than, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, diesel) được đưa vào vận hành với tổng công suất 6.520MW; sản lượng điện thiết kế khoảng 31,6 tỷ kWgiờ/năm cung cấp khoảng 12% nguồn điện được huy động cho quốc gia.

Đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước.

Với sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực về công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, quy mô và tiềm lực kinh tế của tỉnh Bình Thuận đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với 30 năm trước đây. Nhờ vậy, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội nâng cao đời sống cho nhân dân. Quy mô nền kinh tế của Bình Thuận tăng gấp hơn 24 lần so với năm 1992 và đạt 94.858 tỷ đồng; đứng thứ 28 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thu ngân sách nội địa tăng gấp 122,5 lần so với năm 1992. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 48,92 triệu đồng năm 2021, tăng gấp 36,2 lần; đứng thứ 18 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2 trong số 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội nhất là phát triển ba lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, nâng cao đời sống nhân dân là những thành tựu nổi bật của tỉnh Bình Thuận sau 30 năm tái lập tỉnh.

Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định: “Những thành tựu đạt được là sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhiều thế hệ, trong đó, hạt nhân là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ đảng viên toàn Đảng bộ. Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn chú ý kế thừa, phát huy truyền thống của quê hương, truyền thống của Đảng bộ, những giá trị truyền thống của các thế hệ đi trước, xem đây là động lực để các thế hệ kế cận tiếp bước, đồng thời cũng phải luôn nỗ lực cố gắng để làm sao cho sự kế thừa phát triển này đạt được những kết quả tốt hơn”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Ngành công nghiệp, trong đó trọng tâm là công nghiệp năng lượng; du lịch và nông nghiệp được xác định là trụ cột của nền kinh tế của tỉnh.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng với tinh thần quyết tâm, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận tận dụng tốt thời cơ, khai thác phát huy các tiềm năng, lợi thế xây dựng Bình Thuận phát triển về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Với những kinh nghiệm xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đoàn kết một lòng vượt qua thách thức, đồng bộ trong hành động, chắc chắn Bình Thuận sẽ vươn lên mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc.