Bình Thuận - Tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển

NDO - Ngày 26/8, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Bình Thuận: Tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển” ôn lại truyền thống vẻ vang, những thành tựu qua 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Năm 1992, sau khi tách ra từ tỉnh Thuận Hải, tỉnh Bình Thuận còn rất nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1,35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hơn 25%. Hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu; hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện… thiếu thốn.

Sau 30 năm phát triển, Bình Thuận đã vượt khó, vươn lên và từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các địa phương khu vực Duyên hải miền trung và miền Đông Nam Bộ. Quy mô nền kinh tế của Bình Thuận gấp hơn 24 lần so với năm 1992 và đạt 94.858 tỷ đồng; đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thu ngân sách nội địa tăng gấp 122,5 lần so với năm 1992. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 48,92 triệu đồng, tăng gấp 36,2 lần năm 1992; đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 2/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc; mạng lưới trường lớp phủ rộng; mạng lưới y tế cơ sở đến tận xã, phường, thị trấn. Công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng được coi trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An khẳng định, những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận sau 30 năm tái lập tỉnh là rất to lớn, toàn diện và đáng tự hào; là sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch. Ngành công nghiệp, trong đó trọng tâm là công nghiệp năng lượng; du lịch và nông nghiệp được xác định là trụ cột của nền kinh tế. Tỉnh đang có nhiều thuận lợi khi hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư hoàn thành; nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại Bình Thuận với những dự án quy mô lớn… đã tạo động lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của tỉnh.

Với những kinh nghiệm xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đoàn kết một lòng vượt qua thách thức, đồng bộ trong hành động, chắc chắn Bình Thuận sẽ vươn lên mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc hơn trong thời gian tới.