Bài dự thi "tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững"

Bình Thuận hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi

Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc giải ngân cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá, đến nay đã hạ thủy được 14 tàu công suất lớn. Tất cả những con tàu này đã và đang hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngư dân thị xã La Gi đầu tư đóng mới tàu cá.
Ngư dân thị xã La Gi đầu tư đóng mới tàu cá.

Sự phối hợp đồng bộ

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Thuận Phạm Văn Trịnh cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản tỉnh (gọi là Ban Chỉ đạo 67). Các thành viên trong Ban Chỉ đạo làm việc kiêm nhiệm định kỳ tổ chức họp, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện. Phê duyệt các danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên được rõ ràng, tách bạch.

Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Bình Thuận vào cuộc rất tích cực bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp các ban, ngành chức năng trong tỉnh tổ chức các buổi tọa đàm tuyên truyền, tư vấn về chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Giúp ngư dân hiểu được chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho việc đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa, cũng như các quy trình, hồ sơ, thủ tục vay đóng mới và nâng cấp tàu cá.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện, ngư dân nhiều địa phương trong tỉnh đã nộp đơn đăng ký vay vốn đóng tàu. Đến hết tháng 10, Bình Thuận đã có 130 chủ tàu đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 được UBND tỉnh phê duyệt, nhiều nhất là ngư dân huyện đảo Phú Quý và thị xã La Gi. Trên cơ sở danh sách này, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh đã tiếp cận, hướng dẫn thủ tục cho 127 chủ tàu vay vốn theo quy định.

Phó Giám đốc Agribank Bình Thuận Huỳnh Tấn Nam cho biết, để giúp ngư dân biết về điều kiện vay, trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ vay, ngân hàng đã thành lập các tổ công tác tại các chi nhánh, phòng giao dịch, cử những cán bộ chuyên trách, hiểu sâu, nắm rõ chính sách tín dụng theo Nghị định số 67 trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn theo quy định. Tạo điều kiện cho ngư dân được vay ở mức cao nhất có thể.

Đến nay, trong số các chủ tàu được ngân hàng tiếp cận, hướng dẫn, đã có 36 hồ sơ vay vốn nộp cho ngân hàng và có 20 hồ sơ được Agribank Bình Thuận thẩm định, ký hợp đồng cam kết cho vay tín dụng với tổng số tiền hơn 114,9 tỷ đồng. Ngân hàng đã giải ngân được hơn 81,5 tỷ đồng, trong đó cho vay đóng mới hai tàu dịch vụ hậu cần với số tiền hơn 19,3 tỷ đồng; đóng mới 18 tàu khai thác hải sản xa bờ với số tiền gần 62,2 tỷ đồng. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong số 25 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị định 67, đến hết tháng 10-2015, Bình Thuận cùng với Tiền Giang là hai tỉnh dẫn đầu trong việc giải ngân cho ngư dân vay vốn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ đạo 67 Nguyễn Hữu Long giải thích, Ban Chỉ đạo 67 không làm thay công việc của ngân hàng trong việc thẩm định hồ sơ và quyết định cho vay vốn, bởi vốn cho vay là của ngân hàng, không thể gắn Ban chỉ đạo với việc kinh doanh của ngân hàng. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất tùy vào từng loại tàu đăng ký khi chủ tàu đã được ngân hàng ký hợp đồng cho vay. Trong trường hợp từ chối cho vay, ngân hàng phải có văn bản nêu rõ lý do từ chối gửi cho khách hàng và NHNN Bình Thuận để theo dõi giám sát, báo cáo Ban Chỉ đạo 67. Chính từ việc không phải qua nhiều khâu, nhiều đầu mối xét duyệt, nên việc giải ngân cho ngư dân được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

Kết quả bước đầu

Đến cuối tháng 10-2015, tỉnh Bình Thuận đã có 14 tàu cá vay vốn 67 được hạ thủy, trong đó có một tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép công suất 1.600 CV, 13 tàu vỏ gỗ khai thác hải sản xa bờ công suất từ 400 CV đến 800 CV. Trong đó, ngư dân huyện đảo Phú Quý có 11 chiếc, ngư dân thị xã La Gi có ba chiếc. Tất cả đều được ngân hàng giải ngân hết số tiền đã cam kết theo hợp đồng tín dụng. Hầu hết các tàu này đã và đang hoạt động trên các vùng biển xa của Tổ quốc và đạt hiệu quả kinh tế rất khả quan.

Ông Đặng Bi, thôn Phú Long, xã Long Hải, huyện Phú Quý, chủ tàu cá BTh 97887 TS công suất 500 CV hành nghề câu khơi, được Agribank Phú Quý ký hợp đồng cho vay 3,42 tỷ theo Nghị định 67 cho biết, từ khi hạ thủy đến nay, tàu của ông đã đi đánh bắt được hai chuyến ở vùng biển Trường Sa. Bình quân mỗi chuyến đi biển từ 25 đến 30 ngày. Mỗi chuyến đánh bắt được hơn 13 tấn cá hồng, cá mú… bán được gần 900 triệu đồng. Ông Bi cũng cho biết thêm, trước đây ông có một tàu cá công suất 200 CV cũng hoạt động ở vùng biển Trường Sa. Do tàu nhỏ cho nên hiệu quả một chuyến đi biển lúc cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 400 đến 500 triệu đồng. Bây giờ có tàu công suất lớn, doanh thu một chuyến đi biển cao gần gấp hai lần. Hiện, tàu đang đi chuyến thứ ba, hoạt động tại khu vực đảo Đá Đông, huyện đảo Trường Sa.

Tàu cá BTh 97539 TS của ông Nguyễn Tiến ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh được Agribank Phú Quý cho vay 4,8 tỷ đồng, là tàu vỏ gỗ phủ composite chuyên thu mua hải sản xa bờ (ngư dân Phú Quý thường gọi là tàu đông). Trong chuyến đi biển tháng 10 vừa qua ở khu vực nhà giàn DK và cũng là chuyến thứ ba, tàu của ông thu mua được khoảng 15 tấn hải sản, chủ yếu là mực, cá với giá trị hơn 1,1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, còn lãi hơn 400 triệu đồng. Ông cho biết, được ngân hàng cho vay có thời hạn 11 năm, nếu kết quả khai thác cứ thuận lợi như vậy, thì chỉ khoảng bốn đến năm năm là có thể trả hết cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng. Hiện, ông cùng với gia đình và các cổ đông đang làm các thủ tục tiếp tục vay vốn để đóng thêm tàu khai thác xa bờ. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Tạ Minh Nhựt cho biết, thấy được hiệu quả từ những con tàu 67 đã hoạt động, nhiều ngư dân Phú Quý đang tích cực hoàn thiện các hồ sơ để xúc tiến vay vốn đóng tàu. Dự kiến, đến cuối năm 2015, sẽ có bốn đến năm tàu đóng mới tiếp tục được hạ thủy.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Bình Thuận sẽ tiếp tục tuyên truyền thường xuyên liên tục để ngư dân nắm vững chính sách của Nhà nước liên quan đến việc vay vốn đóng tàu, nâng cấp tàu. Cùng với đó, tuyên truyền cho bà con ngư dân khẩn trương xúc tiến các thủ tục cấp quyết định đóng mới, khẩn trương thuê các cơ sở đóng tàu, thuê các đơn vị giám sát an toàn kỹ thuật, từ đó có cơ sở để ngân hàng giải ngân theo đúng các quy định của Nhà nước. Nhất là Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, vừa được Chính phủ ban hành ngày 7-10 vừa qua với nhiều điểm thông thoáng hơn, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân như việc nâng cấp tàu có thể sử dụng máy thủy đã qua sử dụng hoặc mua ngư lưới cụ, các trang thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm cũng được hỗ trợ; thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất đối với tàu vỏ thép được nâng lên 16 năm, thì nhu cầu vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá của ngư dân sẽ tăng lên.

Hy vọng từ những con tàu công suất lớn được đóng mới bằng vốn vay theo Nghị định 67 và sắp tới là Nghị định 89/2015/NĐ-CP sẽ giúp cho ngư dân khai thác hải sản xa bờ có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta.