Nỗ lực tránh tình trạng thiếu vaccine và đánh giá kỹ việc đấu giá 3 mỏ cát

NDO - Chiều 6/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo Chính phủ thường kỳ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của nhà báo liên quan các vấn đề nóng được dư luận xã hội đang hết sức quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. (Ảnh: VGP)
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. (Ảnh: VGP)

Nỗ lực tránh tình trạng thiếu vaccine

Trả lời câu hỏi về thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng và xin giấy chuyển tuyến tại các bệnh viện được nêu ra với Bộ Y tế, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả miễn phí nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho người dân.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế là cơ quan đầu mối mua vaccine phân bổ cho toàn quốc, vì vậy, với vaccine trong nước sản xuất, Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng và phê duyệt phương án giá cụ thể, giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng và phân bổ.

Với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, Thứ trưởng cho biết đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm vaccine DPT-VGB-Hib theo quy định theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Trong quá trình chờ hoàn tất thủ tục, Bộ Y tế cho hay đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ, tiếp nhận 258.000 liều vaccine 5 trong 1 và phân bổ cho địa phương. Ngoài ra có thêm 490.600 liều do Australia hỗ trợ, dự kiến về Việt Nam trong tháng 12. Bộ Y tế đã có hướng dẫn các tỉnh về việc tiêm bổ sung, tiêm vét cho các địa phương. Mũi tiêm còn thiếu sẽ được rà soát, danh sách trẻ cần tiêm bù từng loại vaccine sẽ được lập để các trạm y tế lên kế hoạch triển khai cụ thể.

Thứ trưởng cho biết, năm 2024, sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng hoạt động rà soát tiền sử tiêm chủng và tiêm bù tại 30% số tỉnh/thành phố để chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ em và cộng đồng. Bộ cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan để tránh tình trạng thiếu vaccine, bảo đảm không bị gián đoạn. Các địa phương chủ động trong giám sát, phát hiện dịch và đáp ứng và triển khai các biện pháp về tiêm chủng vaccine cho đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan.

Đối với câu hỏi quan điểm của Bộ Y tế về việc chuyển tuyến bệnh nhân, làm thế nào để người bệnh được chữa bệnh với chất lượng cao nhất, Thứ trưởng cho biết, nguồn kinh phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho chi phí khám chữa bệnh đang chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn thu của bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.

Để đạt được kết quả như vậy, một trong những yếu tố quan trọng là việc tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh. Quy định này nhằm góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám chữa bệnh. "Trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh vướng mắc như quy định đăng ký khám chữa bệnh còn nặng hành chính. Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc" - Thứ trưởng nói.

Ngoài ra, việc thông tuyến khám chữa bệnh cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải tuyến trên và giảm tỷ lệ khám chữa bệnh tại y tế cơ sở.

Nỗ lực tránh tình trạng thiếu vaccine và đánh giá kỹ việc đấu giá 3 mỏ cát ảnh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ.

Các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh. Để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế cho tuyến dưới.

Áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng. Lập hồ sơ quản lý sức khoẻ người dân và mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính; cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính; cân đối, cải cách các quy định về chuyển tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân phiên luân chuyển cán bộ, đào tạo chuyển giao kỹ thuật để tăng cường năng lực và trình độ chuyên môn của tuyến dưới đảm bảo thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các tuyến.

Tăng cường hoạt động nâng cao chất lượng bệnh viện như: củng cố, xây dựng hệ thống, tổ chức quản lý chất lượng bệnh viện, đào tạo, kiểm tra, giám sát thực hiện hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm và xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng lâm sàng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và thời gian của người bệnh.

Cần thời gian đánh giá toàn diện việc đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội

Về việc đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Xây dựng, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát lại toàn bộ việc khảo sát trữ lượng, kết quả đấu giá 3 mỏ cát gồm Châu Sơn, Tây Đằng và Liên Mạc

Ngày 17/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Qua rà soát cho thấy, đây là nội dung lớn quan trọng, có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên công tác kiểm tra cần có thời gian đánh giá cụ thể, toàn diện, từ khảo sát, đánh giá trữ lượng, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Vì thế, ngày 21/11, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, trong đó giao Thanh tra Thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường bảo đảm thực hiện đúng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 29/11, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của lãnh đạo thành phố yêu cầu Thanh tra Thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện. Hiện nay các đơn vị đang chủ động thực hiện để có báo cáo.

Theo thời hạn Thủ tướng giao thì phải báo cáo trước ngày 20/11/2023. Tuy nhiên, do cần thời gian tổng hợp, xem xét cụ thể, chi tiết nên ngày 29/11, Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản báo cáo tình hình thực hiện và kiến nghị Thủ tướng cho phép báo cáo trước ngày 15/12. Hiện nay Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đang đôn đốc để kịp thời có văn bản báo cáo Thủ tướng. Khi có báo cáo đầy đủ, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hà Minh Hải cho biết.

Cách tính giá điện sinh hoạt theo bậc vẫn phù hợp

Về ý kiến cho rằng nên xây dựng giá điện hai thành phần, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Khi huy động các nhà máy điện phát điện, về nguyên tắc ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước, nhà máy đắt phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Với đặc điểm này, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay rất nhiều nước trên thế giới kể cả các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đều áp dụng giá điện cho mục đích sinh hoạt theo các bậc với giá điện của bậc thang sau cao hơn so với bậc thang đầu tương tự như Việt Nam.

Việc thiết kế giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo các bậc phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần nhằm khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả và phù hợp với thực tế hiện nay.

Biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc có ưu điểm: đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không thay đổi so với khi áp dụng cơ cấu biểu giá điện hiện hành.

Mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối, cụ thể: Nam California, Mỹ là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần; Thái Lan là 1,65 lần. Các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi. Nhược điểm của biểu giá hiện nay là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Nỗ lực tránh tình trạng thiếu vaccine và đánh giá kỹ việc đấu giá 3 mỏ cát ảnh 2
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Về giá điện hai thành phần, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới cho thấy, giá bán điện hai thành phần gồm giá công suất (tính theo kW) và giá điện năng (tính theo kWh) chỉ áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất và kinh doanh. Cơ chế giá này không áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt.

Do đây là cơ chế mới, cần có nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng, tránh tác động quá lớn tới các nhóm khách hàng sử dụng điện, trong thời gian tới căn cứ đặc điểm sử dụng điện của khách hàng sử dụng điện và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu và đề xuất áp dụng thử nghiệm giá bán điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng cho một số nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất để có cơ sở đánh giá tác động đến giá bán lẻ điện bình quân cũng như đến chi phí sản xuất của khách hàng sử dụng điện.

Về áp dụng giá điện giờ cao điểm, thấp điểm, Thứ trưởng cho biết: việc áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày cho nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích sản xuất, kinh doanh hiện nay vẫn còn phù hợp do: đặc điểm của hệ thống điện luôn có sự chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm của biểu đồ phụ tải. Sự chênh lệch lớn giữa giờ cao điểm và thấp điểm làm cho hệ thống điện phải có dự phòng lớn.

Một số nhà máy điện được đầu tư chỉ cho vận hành cao điểm có số giờ vận hành ít nên giá rất cao, việc điều hành hệ thống điện rất khó khăn, làm gia tăng tổn thất điện năng, tạo ra áp lực vốn đầu tư rất lớn để xây dựng nguồn điện mới chạy cao điểm, tính kinh tế toàn hệ thống giảm thấp.

Biện pháp áp dụng giá điện theo giờ bình thường, cao điểm và thấp điểm đã được áp dụng tại rất nhiều nước trên thế giới để giảm bớt nhu cầu phụ tải đỉnh của hệ thống, điều chỉnh biểu đồ phụ tải sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, đem lại lợi ích cho vận hành hệ thống điện và nền kinh tế quốc dân.

Trong các giờ cao điểm, để đảm bảo đủ công suất, hệ thống điện quốc gia phải huy động các nhà máy tuabin khí chạy dầu hoặc nhà máy chạy dầu có giá phát điện rất cao. Vì vậy, giá phát điện là cao nhất và giá bán lẻ điện cũng sẽ là cao nhất vào giờ cao điểm hệ thống. Để phản ánh đúng thực tế chi phí sản xuất điện, biểu giá điện vào các giờ cao điểm cần phải cao hơn giá giờ bình thường hoặc thấp điểm.

Ngoài ra, việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng trong ngày nhằm khuyến khích các khách hàng tiết kiệm chi phí dùng điện bằng cách dịch chuyển một phần những phụ tải không cần thiết từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hay giờ bình thường, giảm nhu cầu phụ tải toàn hệ thống trong các giờ cao điểm, góp phần giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn mới. Nếu không áp dụng giá cao điểm vào những giờ cao điểm của hệ thống, nhu cầu công suất của hệ thống sẽ còn tăng cao hơn nữa và sẽ dẫn tới khó khăn trong việc cung cấp điện giờ cao điểm.

Thực tế thực hiện trong những năm vừa qua cho thấy việc áp dụng giá điện theo khung thời gian sử dụng điện trong ngày là phù hợp trong giai đoạn hiện nay góp phần tối ưu vận hành hệ thống và đảm bảo khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.