Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8

Chiều 9/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan những lĩnh vực đang được dư luận xã hội quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8

Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: về bỏ thi thăng hạng đối với giáo viên, tất cả chúng ta đều thấy, bất cứ làm nghề gì, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều muốn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, thăng tiến theo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Việc thực hiện chính sách thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo cũng là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Một nhà giáo được thăng hạng không chỉ chứng tỏ năng lực chuyên môn nghiệp vụ của mình, nhà giáo đó còn được hưởng chế độ chính sách về tiền lương.

Bộ Nội vụ đã dự thảo nghị định sửa đổi một số nghị định, trong đó có Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và đang xin ý kiến, trong đó có dự thảo chỉ còn lại hình thức xét thăng hạng, bỏ thi thăng hạng.

Bộ Nội vụ đã dự thảo nghị định sửa đổi một số nghị định, trong đó có Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và đang xin ý kiến, trong đó có dự thảo chỉ còn lại hình thức xét thăng hạng, bỏ thi thăng hạng.

Theo Thứ trưởng, dù là thi hay xét thăng hạng thì đều với mục đích để đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ căn cứ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đối với thi, tất nhiên có yêu cầu về nội dung, chúng ta biết xác thực chuyên môn nghiệp vụ cần có quá trình giảng dạy, tự đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng để các giáo viên hình thành, phát triển năng lực của mình. Thi thì phải ôn thi, chuẩn bị nội dung, kiến thức. Việc này có thể khi giáo viên đang công tác thì phải dành nhiều thời gian ôn thi, chi phí tốn kém trong quá trình tham gia.

Việc xét thăng hạng, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, có yếu tố tích cực hơn. Chắc chắn những người tham gia xét thăng hạng là những người có hiểu biết, đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên một cách sát thực nhất thay vì chỉ làm thông qua một bài thi. Qua việc xét đó có thể đánh giá cả quá trình, sẽ bảo đảm tính công bằng, minh bạch cũng như chính xác hơn. Như vậy, việc xét thăng hạng để được chức danh mang lại động lực rất tốt, nhưng được xét một cách minh bạch, công bằng, chính xác thì tạo động lực tốt hơn cho giáo viên trong cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, đây chỉ một trong những giải pháp để chúng ta hạn chế, khắc phục việc giáo viên bỏ việc thôi, chứ không phải là tất cả, nhưng cũng là một trong những việc quan trọng.

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, bỏ thi thăng hạng, bỏ thi nâng ngạch công chức đã được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua.

Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019, Điều 44 đã quy định rất rõ, việc thăng hạng có thể thực hiện theo hai hình thức là thi hoặc xét và cũng đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Tại khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức năm 2010 có quy định việc bổ nhiệm vào ngạch viên chức cao hơn có thể thông qua hình thức thi hoặc xét. Như vậy, về mặt cơ sở pháp lý, Quốc hội đã cho phép việc nâng hạng hoặc nâng ngạch công chức sẽ được thực hiện theo hai hình thức thi hoặc xét. Việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Về cơ sở thực tiễn, việc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/2/1998 đến nay.

Trong quá trình tổ chức thi, Bộ Nội vụ thấy có một số khó khăn như sau:

Thứ nhất, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi nhưng hiện nay các bộ, ngành chưa ban hành thông tư. Mới có một vài bộ, còn một số bộ chưa ban hành thông tư. Viên chức tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ là những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi, do vậy rất khó để tiến hành tổ chức thi.

Thứ hai là việc chưa quy định được nội dung thi chính là việc như Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn vừa nói, thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm cũng như công việc của viên chức. Chính vì vậy, thi còn hình thức và không phản ánh được thực chất của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức qua thi đánh giá.

Thứ ba, viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng, mà số lượng viên chức rất lớn, khoảng gần 2 triệu viên chức trong cả nước. Việc tổ chức thi hằng năm rất khó, số lượng tổ chức thi được rất ít. Do vậy, những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện xếp hàng dài chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên, như Thứ trưởng Sơn vừa nói.

Vấn đề khó nữa là trong việc thi có tiêu chuẩn điều kiện là phải có chứng chỉ chuyên ngành, thí dụ phóng viên báo chí muốn thi nâng ngạch báo chí phải có chứng chỉ chuyên ngành báo chí; tương tự, bác sĩ cũng vậy. Nếu chúng ta chưa tổ chức được việc học những lớp này thì chưa có chứng chỉ và chưa đủ điều kiện dự thi. Đây là rào cản, hạn chế trong quá trình thi.

Ngoải ra, quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí rất nhiều cho ban tổ chức thi, thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại tốn kém và chi phí xã hội rất lớn. Nếu chúng ta bỏ việc thi sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội và đặc biệt hạn chế, giảm được thủ tục hành chính.

Đến nay, có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức.

Về hướng đề xuất để giải quyết việc thi, Bộ Nội vụ đã tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Kết quả đến nay, có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức. Nếu chúng ta bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập. Vấn đề nữa là giảm được áp lực cho chính đội ngũ công chức, viên chức.

Cái cuối cùng, quan trọng nhất là thi hay xét đều nhằm nâng trình độ công chức, viên chức, nếu đáp ứng được trình độ năng lực thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức cao hơn. Việc thi lại không sát thực tiễn, do vậy nếu chúng ta tổ chức sát hạch trực tiếp thì sẽ đánh giá sát hơn, và như Thứ trưởng Sơn nói, trình độ năng lực phải được tích lũy qua quá trình thực thi công vụ. Nếu chúng ta tổ chức xét thì sẽ giải quyết được việc đánh giá đúng người đúng việc và trình độ năng lực thế nào để làm được việc đó.

Vụ án Việt Á: điều tra đến đâu, kết luận đến đó

Tại họp báo, các nhà báo quan tâm hai vấn đề trong vụ Việt Á: đó là, đầu tháng 6, Bộ Công an cho biết Việt Á đã kiếm lợi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ để bôi trơn; nhưng trong kết luận điều tra đã ban hành, Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã thu lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng. Theo kết luận thì một số lãnh đạo dù nhận tiền cảm ơn lớn nhưng chỉ bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ và vi phạm quy định về đấu thầu trong vụ Việt Á. Vậy Bộ Công an lý giải sao về điều này?

Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt và các bị can có liên quan khai là Công ty có doanh thu và lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng và Việt đã sử dụng 20-25% số tiền này, tương ứng với khoảng 800 tỷ đồng để chi phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, các đối tác mua test kit, vật tư, thiết bị hay vật phẩm y tế khác. Đây là lời khai ban đầu của Việt Á và Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin với báo chí. Nhưng sau khi có kết luận điều tra ban hành ngày 17/8 thì có những con số chênh lệch.

Ông Tô Ân Xô giải thích: Thứ nhất, không thể dùng lời khai ban đầu của các đối tượng để làm căn cứ đưa vào kết luận điều tra bởi phải trọng chứng hơn trọng lời khai.

Thứ hai, chỉ khi nào có căn cứ chứng minh việc đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì mới có thể khởi tố điều tra, kết luận và đề nghị truy tố.

Thứ ba, chứng cứ rõ đến đâu, kết luận đến đó.

Thứ tư, ngoài C03 Bộ Công an thì Bộ cũng đã phân công, ủy thác cho công an 61 tỉnh, thành phố điều tra liên quan đến vụ việc này. Đến nay, một số tỉnh vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra để làm rõ số tiền thu lợi bất chính và số tiền bôi trơn trong vụ án này.

Để rõ hơn, ông Tô Ân Xô lấy thí dụ là theo thông tin ban đầu, có vụ án một cái tàu chìm ở một địa điểm X nào đó. Ước lượng thiệt hại ban đầu là 50 tỷ đồng nhưng khi kết luận điều tra thì chỉ thiệt hại 20 tỷ đồng thôi. Vì sao? Vì cứu nạn cứu hộ tốt, xử lý hàng hóa trên tàu nhanh chóng, hay lời khai của chủ tàu với các dữ kiện hàng hóa khác nhau nên kết luận điều tra khác với con số ban đầu. Hay có một vụ cháy xảy ra tại một quán karaoke X nào đó. Thông tin ban đầu thiệt hại là 10 tỷ đồng và 3 người chết, nhưng khi kết luận điều tra là 5 người chết, thiệt hại là 20 tỷ đồng. Vì qua quá trình điều tra, 2 nạn nhân sau khi vào bệnh viện mới tử vong chẳng hạn. Cho nên là con số chênh lệch này được giải thích như vậy.

Về câu hỏi thứ hai, Trung tướng Tô Ân Xô giải thích: Thứ nhất là phương thức, cách thức, hoàn cảnh nhận tiền của các bị can trong vụ Việt Á này rất khác nhau. Có bị can thì đặt yêu cầu, nêu thỏa thuận, đặt điều kiện với đối tượng đưa tiền và họ nhận tiền xong thì mới xử lý việc hai bên đã đặt yêu cầu trước đó. Và có những đối tượng, bị can không đưa ra yêu cầu, không đưa ra điều kiện hay đưa ra thỏa thuận nào trong việc xử lý công việc cả. Họ nhận tiền, nhận quà sau khi công việc đã hoàn thành. Mặc dù có những bị can nói là nhận quà biếu, quà tặng nhưng họ vẫn bị xử lý hình sự. Như vậy là hành vi, động cơ khác nhau trong việc nhận tiền thì sẽ bị xử lý khác nhau.

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin thêm, việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố với các bị can về các tội danh như trên, trong kết luận điều tra, Bộ Công an đã đề nghị truy tố 38 bị can về 6 tội danh.

Việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố đối với các bị can về các tội danh trên đã được Bộ Công an tiến hành rất khoa học, thận trọng, khách quan, toàn diện, triệt để và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quán triệt và thực hiện chủ trương nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất nghiêm khắc mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo; có sự phân hóa rõ với từng bị can, từng hành vi phạm tội một cách thấu đáo; phân tích đánh giá toàn diện, xác định rõ những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm, tình tiết khoan hồng trên nguyên tắc không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.