Giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,5% từ hôm nay

Ngày 8/11, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 2941/QĐ-BCT về biểu giá bán lẻ điện; cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng ban hành Quyết định số 1416/QĐ-EVN, theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kW giờ (chưa bao gồm thuế VAT) kể từ ngày 9/11/2023. Chiều 9/11, tại Hà Nội, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp báo trao đổi về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện lần này.

0:00 / 0:00
0:00
EVNHANOI sửa chữa điện nóng.
EVNHANOI sửa chữa điện nóng.

Ngày 31/3/2023, Bộ Công thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Theo tính toán, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kW giờ.

Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, EVN đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 8/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kW giờ (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 9/11/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.

Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kW giờ/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kW giờ/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kW giờ/hộ/tháng.

Theo Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện tránh “giật cục” và phản ánh hơi thở của thị trường; trong dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định 24, Bộ đã điều chỉnh chu kỳ điều chỉnh giá điện được giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng, việc điều chỉnh tăng giảm giá điện phụ thuộc thông số đầu vào giá điện. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lần này vẫn căn cứ vào Quyết định 24/20217/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Làm rõ hơn về căn cứ điều chỉnh tăng giá điện lần này, EVN cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ của EVN được thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg. Tại Khoản 5 điều 3 Quyết định 24 quy định: "Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất" và Khoản 2 điều 3 “Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành”.

Năm 2023, diễn biến các thông số đầu vào khâu phát điện vẫn ảnh hưởng hết sức bất lợi đến tình hình sản xuất kinh doanh của EVN: cơ cấu nguồn thủy điện giảm mạnh so với năm 2022 (dự kiến giảm 16,9 tỷ kW giờ, được thay thế bằng các nguồn nhiệt điện than, khí, dấu) do hiện tượng El Nino gây năng nóng kéo dài; giá các loại nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện vẫn duy trì ở mức cao, theo đó, giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến năm 2023 tăng 186% so với năm 2020 và 25% so với năm 2021;

Than phan trộn TKV: mức tăng giá than pha trộn bình quân của TKV bình quân dự kiến năm 2023 là từ 29,6% đến 46,0% (tùy từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021; than pha trộn của Tổng công ty Đông Bắc: mức tăng giá than pha trộn bình quân dự kiến năm 2023 của Tổng công ty Đông Bắc hiện hành là từ 40,6% đến 49,8% (tùy từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021;

Giá dầu thô Brent dự kiến năm 2023 tăng 100% so bình quân năm 2020 và tăng 18% so với năm 2021; tỷ giá ngoại tệ cũng tăng mạnh, bình quân năm 2023 dự kiến tăng 4% so năm 2021.

Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh gần nhất từ ngày 4/5/2023, đến nay đã đủ 06 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất, giá các loại nhiên liệu vẫn ở mức cao, cơ cấu sản lượng biến động theo hướng bất lợi (các nguồn điện giá mua rẻ giảm, giá thành đắt tăng), mặc dù giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5/2023, tuy nhiên điều này cũng chỉ giải quyết được một - phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính, cho nên việc xem xét điều chỉnh giá điện là phù hợp theo quy định Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Cũng tại cuộc trao đổi, lãnh đạo Ban Kinh doanh thuộc EVN cũng cho biết về việc thay đổi lịch chốt chỉ số công tơ, theo đó, Tập đoàn muốn ghi được chỉ số công tơ ngày cuối cùng của tháng và năm từ lâu nhưng chưa làm được vì từ trước tới nay sử dụng nhiều công tơ cơ. Việc này ảnh hưởng việc hạch toán chi phí, đặc biệt là của doanh nghiệp.

Hiện tỷ lệ công tơ điện tử đã đạt mức 85%, do đó Tập đoàn quyết định thay đổi thời điểm ghi chỉ số công tơ vào ngày cuối cùng của tháng, của năm. Điều này giúp doanh nghiệp hạch toán đúng chi phí của tháng, của năm: đối với hộ gia đình thì cũng giúp thuận tiện hơn trong việc theo dõi đúng mức tiêu thụ điện trong tháng. Các đơn vị điện lực đã thông báo rõ với khách hàng về việc này.

Nếu tháng trước, việc chốt chỉ số công tơ được thực hiện vào ngày 20/10 thì lần này sẽ chốt chỉ số vào ngày 30/11. Thay vì ghi chỉ số vào ngày 20, chuyển sang ngày 30 mới ghi thì lần đầu tiên thực hiện thay đổi thời điểm chốt chỉ số, khách hàng sẽ trả tiền điện cho 40 ngày sử dụng (từ ngày 20/10 đến 30/11), tiền điện chi trả sẽ tăng thêm trên hóa đơn tiền điện nhưng bản chất không phải tăng thêm chi phí mà do lùi thời điểm ghi chỉ số thêm 10 ngày. Tập đoàn yêu cầu lập lộ trình ghi chỉ số phù hợp phát triển công tơ điện tử từ nay đến 2025.

Theo Quyết định 2941/QĐ-BCT của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm Bậc 1: cho kW giờ từ 0 đến 50 là 1.806 đồng/kW giờ; Bậc 2: cho kW giờ từ 51 đến 100 là 1.866 đồng/kW giờ; Bậc 3: cho kW giờ từ 101 đến 200 là 2.167 đồng/kW giờ; Bậc 4: cho kW giờ từ 201 đến 300 là 2.729 đồng/kW giờ; Bậc 5: cho kW giờ từ 301 đến 400 là 3.050 đồng/kW giờ; Bậc 6: cho kW giờ từ 401 trở lên là 3.151 đồng/kW giờ.

Như vậy, với mức điều chỉnh tăng lần này, các khách hàng có số tiêu thụ điện sinh hoạt nằm trong Bậc 1 sẽ phải trả thêm khoảng 3.900 đồng/tháng so mức giá cũ; Bậc 2 là 7.900 đồng/tháng; Bậc 3 là 17.200 đồng/tháng; Bậc 4 là 28.900 đồng/tháng; Bậc 5 là 42.000 đồng/tháng và Bậc 6 là 55.600 đồng/tháng.

Tác động với các nhóm khách hàng khác: Khách hàng kinh doanh dịch vụ (có 547 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230 nghìn đồng/tháng; Khách hàng sản xuất (có 1.909 nghìn khách hàng): 432 nghìn đồng/tháng; Khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681 nghìn khách hàng): 90 nghìn đồng/tháng.