Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân – Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Hội đồng.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các cuộc họp của Hội đồng thường xuyên, nghiêm túc, diễn ra đúng quy định. Phiên họp này đánh giá công tác thi đua, khen thưởng từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác từ nay đến hết 2025.
Cần làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để tạo phong trào thi đua, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực từ công tác thi đua, khen thưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Từ nay đến hết năm 2025, nước ta diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: chuẩn bị kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; sang năm 2025 có kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân… Đó đều là những sự kiện hết sức quan trọng.
Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để tạo phong trào thi đua, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực từ công tác thi đua, khen thưởng.
Thủ tướng khẳng định, muốn đạt mục tiêu này, phải coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, công tác tôn vinh, khen thưởng của các cấp, các ngành, địa phương phải được tổ chức có lớp lang, bài bản, khoa học, hiệu quả, đúng pháp luật, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực, tạo khí thế mới cho cả nước để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Quang cảnh Phiên họp lần thứ 9 Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng yêu cầu, phải rà soát lại các mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra xem đã thực hiện đến đâu? Mục tiêu nào đã hoàn thành, mục tiêu nào sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch, mục tiêu nào khó hoàn thành? Từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy; cái gì đã tốt rồi thì phải làm tốt hơn nữa, cái phải hoàn thành thì phải phấn đấu hoàn thành, cái gì khó hoàn thành thì phải có giải pháp hoàn thành với sản phẩm cụ thể. Một trong những giải pháp là làm tốt các phong trào thi đua của công tác thi đua, khen thưởng.
Thủ tướng lấy thí dụ về mục tiêu 3 đột phá chiến lược, chúng ta đang tập trung tháo gỡ hơn nữa về thể chế, bởi thể chế đang vướng mắc, trong khi thể chế là nguồn lực, là động lực cho phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, phải tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát. Việc tạo đột phá về thể chế này cũng cần phải được khen thưởng.
Cùng với đó, chúng ta đã làm tốt đột phá về hạ tầng. Chúng ta đã làm tốt công tác phát triển hạ tầng giao thông, khá rõ nét, đã hoàn thành hơn 2.000km đường cao tốc, mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc là khả thi nhưng khả thi hơn nữa là phải tạo phong trào, động lực, khuyến khích những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị làm tốt, những người làm tốt.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát biểu ý kiến tại Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng cho biết, trong tuần này sẽ tổ chức phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến hết năm 2025, đây là kết quả cụ thể theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, có ý nghĩa quan trọng vì khi hạ tầng giao thông chiến lược hoàn thành sẽ tạo không gian mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, tạo ra “làng trong phố, phố trong làng”… Do đó, công tác thi đua, khen thưởng phải đi đôi với các phong trào này.
Thủ tướng cũng chỉ ra công tác an sinh xã hội đã được thực hiện rất tốt trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, thể hiện đúng tinh thần không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Vấn đề liên quan đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chúng ta vẫn nỗ lực tiết kiệm và cân đối các khoản để tăng lương. Những cố gắng này cũng cần được biểu dương, khen thưởng. Thủ tướng cũng lấy thí dụ về nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong tích cực triển khai thi công Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối trong thời gian ngắn kỷ lục, chuẩn bị khánh thành dịp Quốc khánh 2/9 này. Thủ tướng đặt vấn đề cân nhắc tổng kết bài học kinh nghiệm hay từ công trình này để nhân rộng tiếp cho các công trình trọng điểm sắp tới.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tham dự Phiên họp lần thứ 9. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nhấn mạnh, Bác Hồ đã từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thời gian của nhiệm kỳ này không còn nhiều, sắp tới là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Do đó, phải tạo phong trào thi đua, khí thế, giữ đà nhịp này để phát triển.
Hội đồng phải làm tốt công tác khen thưởng đột xuất, thường xuyên, khen thưởng tôn vinh; bàn về công tác thi đua, khen thưởng sôi nổi hơn, mạnh mẽ hơn, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cả dân tộc, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Trước xu thế phát triển mới của thế giới như kinh tế số, các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…, Thủ tướng lưu ý cần phải có trách nhiệm tạo phong trào, khí thế sôi nổi để thúc đẩy hướng phát triển mới này. Hội đồng cũng sẽ phải hoàn thành dự thảo hướng dẫn việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, tôn vinh, khen thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong 2 năm 2024-2025, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Các đại biểu tham dự Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh cái được là cơ bản thì Hội đồng cần phải làm tốt hơn, tinh thần tốt hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đi đôi với đó là phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, làm việc nào dứt việc đó, đã nói là làm, đã cam kết phải làm, đã làm phải ra sản phẩm, "cân, đong, đo, đếm", lượng hóa được.
"Chúng ta cần tạo phong trào thi đua, khí thế, giữ đà, giữ nhịp để hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong đó có nhiệm vụ thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đây là sứ mệnh, trách nhiệm của Hội đồng. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng ta là kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, mỗi đảng viên phải là một tuyên truyền viên. Hội đồng hoạt động phải nghiêm túc, thực chất, không hình thức, thể hiện lòng tin của nhân dân; rà soát kỹ tình hình, bám sát các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, về nhận thức và hành động đối với phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, có 2 nội dung quan trọng: phong trào thi đua yêu nước gắn với công tác thi đua, khen thưởng. Có phong trào thi đua yêu nước thì mới có thúc đẩy công tác thi đua, khen thưởng; công tác thi đua, khen thưởng làm tốt góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Phong trào thi đua yêu nước và thi đua, khen thưởng là một trong những sức mạnh nội sinh của đất nước, dân tộc; phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng là của cả hệ thống chính trị, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng nêu rõ, phong trào thi đua yêu nước và thi đua, khen thưởng là một trong những sức mạnh nội sinh của đất nước, dân tộc; phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng là của cả hệ thống chính trị, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, nếu chúng ta làm tốt phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua, khen thưởng sẽ tạo động lực, nguồn lực, truyền cảm hứng cho toàn xã hội, toàn dân, cả hệ thống chính trị để hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ này, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; nếu không làm tốt, mà làm qua loa, chiếu lệ, hình thức, không khách quan, trung thực thì sẽ tác dụng ngược.
Phong trào thi đua yêu nước là nhiệm vụ chính trị thường xuyên đột xuất, vừa có tính chất trước mắt, vừa có tính chất lâu dài, phải thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thi đua, khen thưởng phải thường xuyên, kịp thời, khách quan. Công tác thi đua, khen thưởng phải luôn đổi mới, bám sát thực tiễn, từ đó góp phần thúc đẩy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các cấp, các ngành, phải thực chất, hiệu quả.
Về phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua, khen thưởng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thủ tướng đánh giá: Hội đồng, Thường trực Hội đồng tiếp tục đổi mới hoạt động, phát huy vai trò, triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động và hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra, trong đó: đôn đốc các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị hằng năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại… Các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức phát động và triển khai các phong trào thi đua một cách phong phú, sôi nổi, thiết thực, rộng khắp hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ khó, trọng tâm, cấp bách để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Công tác khen thưởng được thực hiện cơ bản đúng quy định, chất lượng khen thưởng được nâng lên, kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước; khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh và công tác có thành tích tiêu biểu được thực hiện kịp thời. Từ năm 2021 đến nay, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã khen thưởng cho gần 387 nghìn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều đổi mới; nhiều điển hình tiên tiến được tôn vinh, khen thưởng tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội…
Thay mặt Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm và đóng góp rất tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế; biểu dương, khen thưởng các thành viên Hội đồng đã hưởng ứng, phát động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua; đánh giá cao những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng đã đạt được thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đề cập một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh: Một là, cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Hai là, phong trào thi đua yêu nước phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra hiệu quả, "cân, đong, đo, đếm", lượng hóa được.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện khách quan, đúng người, đúng việc, tạo phong trào, hiệu ứng, sức lan tỏa cao.
Bốn là, trong tổ chức thực hiện, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, bám sát thực tế, phân công phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm để khi đánh giá, khen thưởng dễ dàng, chính xác, khách quan; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, kịp thời uốn nắn những cái làm chưa tốt, khuyến khích những cái làm tốt.
Năm là, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, các bộ, ngành, các cấp phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy tinh thần đoàn kết, không ngừng nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của những người đề xuất phong trào, những người làm công tác thi đua, khen thưởng.
Thủ tướng nêu rõ, từ nay đến hết năm 2025, nước ta diễn ra nhiều sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; 95 năm Ngày thành lập Đảng; 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ XI. Đặc biệt, năm 2025 diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhiệm vụ đặt ra là phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua rất quan trọng, là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân dân ta. Với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, thường xuyên rút kinh nghiệm, đánh giá việc nào làm tốt, chưa làm tốt để khắc phục ngay. Việc nào làm tốt rồi thì phải làm tốt hơn, nỗ lực rồi thì phải nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Chủ động phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhất là người lao động trực tiếp, công nhân, các tập thể, cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những người yếu thế vượt qua giới hạn của bản thân.
Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm hồ sơ khen thưởng kháng chiến và việc cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng còn tồn đọng; khen thưởng kịp thời, cấp bách các tấm gương đột xuất. Tích cực triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua do Hội đồng phát động; đồng thời, tiếp tục phát động các phong trào thi đua mới với phương châm: thiết thực, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo đột phá hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, 2025 và kế hoạch 5 năm (2021-2025).
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ tham mưu trình Bộ Chính trị Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Về các hoạt động tôn vinh, khen thưởng nhân các ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm 2024 và 2025, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện để Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương ban hành Hướng dẫn về việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước và tôn vinh, khen thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong 2 năm 2024-2025, cố gắng ban hành trong tháng 8 này. Tổ chức tốt Lễ phát động Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”, theo đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị chu đáo sự kiện.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức Buổi “Gặp mặt nhân chứng lịch sử, người có công với nước”.
Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Hội đồng phải xây dựng kế hoạch tổng thể, bảo đảm chủ động, giao việc từng cơ quan liên quan.
Về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, Thủ tướng chỉ đạo phải bảo đảm tổ chức trang trọng với tất cả kinh nghiệm đã có, với tấm lòng, trách nhiệm cao nhất, vì nhân dân phục vụ nhằm tạo phong trào thi đua yêu nước sâu sắc hơn, bao trùm, toàn diện hơn, có sức lan tỏa, tạo động lực tốt hơn cho cả nước; tổng kết những điển hình tiên tiến, tập thể, cá nhân tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo khí thế, tạo sức mạnh của toàn dân tộc, góp phần củng cố sức mạnh nội sinh dân tộc. Các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực tổ chức Đại hội thi đua các cấp, các ngành, tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI vào năm 2025, có đổi mới, có tính kế thừa, phát triển, sát tình hình trong và ngoài nước.