Đây là niềm vui, tự hào của An Giang nói riêng và cả nước nói chung, đó là di sản thứ 16 của Việt Nam và là di sản thứ hai của khu vực Nam Bộ được UNESCO công nhận. Năm 2001, lễ hội từng được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng cấp quốc gia; năm 2015, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại lễ hội. |
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ; diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 âm lịch hằng năm tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên đỉnh núi Sam.
Trong đó, lễ phục dựng rước tượng Bà được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền, tái hiện lịch sử nguồn gốc Bà Chúa Xứ thông qua hình thức sân khấu hóa xen các tiết mục biểu diễn văn nghệ mang sắc thái văn hóa của bốn dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer. Buổi lễ kết hợp biểu diễn nhạc ngũ âm, biểu diễn nghệ thuật lân, sư, rồng phục vụ công chúng.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Nam Bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu văn hóa với cộng đồng người Khmer, Hoa, Chăm. Thời gian kéo dài từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng 4 âm lịch hằng năm, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương, du khách đến Châu Đốc tham quan, nghỉ dưỡng…
Lễ phục dựng rước tượng Bà được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền. |
Từ đó, Châu Đốc được mệnh danh là thành phố du lịch tâm linh lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lượng du khách đến dự mùa lễ hội là hơn 4 triệu khách, chiếm hơn 60% khách du lịch của tỉnh. Vào những ngày chính lễ vía Bà có từ 60.000 đến 70.000 khách đến tham quan.