Thích ứng biến đổi khí hậu

Sung túc từ nghêu biển

Từ lâu, người dân ven biển xã Thới Thuận (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) ví con nghêu như “vàng trắng”. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nguồn lợi thủy sản quý hiếm giúp xã viên Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông có cuộc sống sung túc.
0:00 / 0:00
0:00
Xã viên Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông khai thác nghêu biển.
Xã viên Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông khai thác nghêu biển.

Ngày đêm túc trực canh nghêu

Đứng trên chòi canh cao gần 3m, ông Mai Văn Tiến, Phó Giám đốc kiêm Đội trưởng Đội Bảo vệ bãi nghêu của Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông liên lạc với các chòi canh, trạm ghe ngoài khơi qua máy bộ đàm. Tất cả tình hình an ninh trật tự, số lượng người dân vào giăng lưới, bắt ốc đều được báo cáo bất kỳ lúc nào trong ngày.

Ông Tiến cho biết: Trước đây, do nguồn lợi từ con nghêu rất lớn nên xảy ra tình trạng trộm cắp, nhất là vào ban đêm làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Giờ đây, toàn bộ tài sản của hợp tác xã đều giao lực lượng bảo vệ của hợp tác xã túc trực 24/24, để canh giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bờ biển.

Ngoài ra, lực lượng bảo vệ còn phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, biên phòng giữ gìn an ninh bờ biển. Trong đó, phối hợp với quân sự xã Thới Thuận thành lập trung đội dân quân biển, hằng năm đều có huấn luyện, bảo vệ quản lý tốt được người dân tin và ủng hộ.

Khi thủy triều rút, bãi biển trải dài ra xa hàng ki-lô-mét nhưng khi nước lớn thì gió kéo theo sóng vỗ ầm ầm xô vào bờ làm những chiếc chòi canh như không trụ vững. Toàn bộ khu vực bãi biển có chiều dài 16 km được dựng 13 chòi canh nằm sát bờ và 11 chốt ghe neo đậu ở phía ngoài để canh giữ bãi nghêu. Nhìn từ xa, những chiếc chòi canh trông như nhà sàn của người dân vùng lũ Đồng Tháp Mười và rất nhỏ bé trước mênh mông biển trời.

Lực lượng bảo vệ hợp tác xã có 71 người luôn túc trực cả ngày lẫn đêm để bảo vệ bãi nghêu. Ở đây chẳng có nhà dân, phía trước chòi canh là biển cả bao la, phía sau là rừng phòng hộ. Bãi biển hoang sơ nên không có điện, mỗi chòi canh chỉ được trang bị 1 chiếc đèn năng lượng thắp sáng vào buổi tối. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng anh em vẫn ngày đêm túc trực nơi “đầu sóng, ngọn gió”, quanh năm suốt tháng làm bạn với rừng và biển.

Năm nay là năm thứ 22 anh Nguyễn Văn Cường Em, sinh năm 1987 tham gia bảo vệ tại bãi nghêu với hơn chục năm đón Giao thừa tại bãi biển. Anh Cường Em kể: “Năm đầu tiên tôi ra đây đón Giao thừa khi mới 18 tuổi với cảm giác rất buồn nhưng lâu dần làm bạn với sóng biển, rừng phòng hộ riết rồi cũng quen.

Khi nước lớn thì lực lượng chốt ghe phía ngoài thường xuyên tuần tra không cho kẻ gian xâm nhập vào bãi còn khi nước ròng thì lực lượng các chòi canh phía trong bờ thay phiên nhau tuần tra bất kể ngày hay đêm. Khi có gì bất thường sẽ thông báo cho nhau qua máy bộ đàm và liên lạc với lực lượng chức năng như công an, biên phòng để phối hợp giải quyết. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới biển mấy năm nay rất ổn định”.

Trung bình hằng tháng, anh em bảo vệ thay phiên nhau nghỉ phép 4 ngày để về thăm gia đình. Đây là thời gian hiếm hoi để họ về đất liền, vui vầy bên gia đình. Ông Nguyễn Văn Nhung, 60 tuổi, là dân biển Thới Thuận chính gốc, làm bảo vệ đã được 4 năm, cho biết: “Tại đây luôn có anh em bảo vệ quan tâm, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn cho nên cũng đỡ buồn chán. Bản thân tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, gìn giữ tài sản hợp tác xã và góp phần bảo vệ an ninh trật tự vùng biển quê hương”.

Thu tiền tỷ từ bãi biển

Bãi biển Thới Thuận do Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông quản lý dài 16 km, diện tích 1.500 ha. Khi nước thủy triều rút, bãi biển xa ngút tầm mắt có thể chạy xe gắn máy, xe đạp ra cách bờ vài km. Dưới lớp cát bên bãi biển là nguồn lợi rất lớn từ con nghêu với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Chiều về, nước rút ra xa, hơn 300 xã viên ra thu hoạch nghêu cho kịp con nước để giao cho thương lái.

Mọi người đều tranh thủ cào bỏ vô túi lưới rồi dùng dụng cụ bằng sắt để sàng nghêu nhỏ và vỏ nghêu trả lại biển chỉ lấy nghêu kích cỡ lớn. Tranh thủ nghỉ tay, ông Mai Văn Trung, thành viên hợp tác xã cho biết: “Nhờ con nghêu này mà người dân có việc làm, mỗi năm chia lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/nhân khẩu cho nên cuộc sống rất ổn định.

Bình thường người dân có thể làm vườn, trồng hoa màu, đến con nước thì nhận phiếu bắt nghêu thuê cho hợp tác xã với tiền công 180 nghìn đồng/phiếu (1 phiếu tương đương 2 thùng nghêu với trọng lượng khoảng 50 kg), “khỏe” hơn nhiều so với làm thuê, làm mướn. Bởi vì ở dưới lớp cát toàn là nghêu, chỉ việc cào vô lưới rồi sàng lại là thu được nghêu lớn”.

Hiện tại, tất cả thành viên hợp tác xã là hộ dân tại xã Thới Thuận đều được phát phiếu bắt nghêu xoay vòng hết ấp này tới ấp khác. Trung bình, mỗi hộ dân một năm được phát từ 20 đến 24 phiếu tùy theo sản lượng thu hoạch. Ngoài ra, một số hộ gia đình người già, neo đơn không có khả năng thu hoạch thuê cho hợp tác xã vẫn phát phiếu và có thể nhượng lại cho người khác với tỷ lệ thỏa thuận, thường mỗi bên nhận 50% số tiền công.

Hôm nay bà Nguyễn Thị Lan cùng chồng dùng 6 phiếu, gồm 1 phiếu của gia đình và 5 phiếu của những hộ trong xóm. Bà cho biết: Hai vợ chồng tranh thủ con nước làm một buổi cho xong 6 phiếu với 12 thùng nghêu, sẽ được trả công hơn 1 triệu đồng.

Sau đó chia lại tiền công cho 5 hộ dân không đến đây làm được, cũng còn hơn 600 nghìn đồng. Ở đây việc phát phiếu bắt nghêu thuê rất công bằng. Nếu không có khả năng lao động thì đưa người khác làm thay rồi chia theo thỏa thuận cho nên ai cũng có thu nhập”.

Năm nay, Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông được Đảng ủy xã Thới Thuận giao chỉ tiêu khai thác 36 tỷ đồng, đến thời điểm này đã thu hoạch đạt 52 tỷ đồng, vượt rất nhiều so với kế hoạch đề ra cho nên chia lợi nhuận cho người dân cao hơn so với mọi năm.

Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Rạng Đông là hợp tác xã đặc thù quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên là con nghêu tại bãi biển. Hiện tại, hợp tác xã được Nhà nước cho thuê diện tích 1.500 ha, chiều dài bờ biển 16 km với 3.497 hộ thành viên và 9.626 nhân khẩu của toàn bộ xã Thới Thuận. Trung bình hằng năm, một nhân khẩu được chia lợi nhuận hơn 1 triệu đồng.

Ngoài ra, tất cả hộ gia đình đều được phát phiếu bắt nghêu thuê cho hợp tác xã với số tiền khoảng 10 tỷ đồng/năm. Mấy năm nay, nhờ thiên nhiên ưu đãi cho nên lượng nghêu sản sinh tại vùng biển Thới Thuận khá lớn. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng bán nghêu giống đạt 80 tấn, mang lại nguồn thu 10 tỷ đồng, nghêu thịt khoảng 42 tỷ đồng cho nên xã viên rất phấn khởi.