Hướng tới mục tiêu kéo giảm số trẻ em tử vong do đuối nước

Những năm qua, tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam có xu hướng giảm. Thời gian gần đây, mỗi năm chúng ta đã kéo giảm từ 3% đến 5% số vụ trẻ em tử vong do đuối nước, tương ứng với khoảng 100 trẻ được cứu sống. Tuy vậy, số trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam vẫn giảm chậm và luôn có nguy cơ tăng trở lại do nước ta rơi vào vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão lũ bất thường.
Lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em dịp hè trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh THÙY PHẠM)
Lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em dịp hè trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh THÙY PHẠM)

Nỗ lực để kéo giảm tỷ lệ đuối nước

Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở mức cao. Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước ở trẻ em chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức.

Những vụ đuối nước thương tâm vẫn âm thầm cướp đi sinh mạng của không ít trẻ em tại các địa phương. Mới đây là vụ đuối nước nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của 5 học sinh lớp 8 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ vào ngày 18/11/2024 vừa qua.

Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 7 ở khu vực châu Á Thái Bình Dương về tử vong do đuối nước. Tỷ lệ này ở Việt Nam hiện cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Hướng tới mục tiêu kéo giảm số trẻ em tử vong do đuối nước ảnh 1

Ảnh THÀNH ĐẠT.

Tử vong do đuối nước xảy ra trong khu vực cộng đồng (ao, hồ, sông suối) là 76,6%, trong gia đình là 22,4%. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ tử vong do đuối nước chỉ do người lớn thiếu giám sát. Trẻ không may thiệt mạng thậm chí chỉ vì bị ngã, ngụp vào xô, chậu nước, trong nhà; lu nước, hố trữ nước trong các vườn để tưới cây…

Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam những năm qua có xu hướng giảm. Năm 2010, số trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam là 3.300 trẻ. Năm 2016, con số này giảm xuống còn 2.350 và năm 2023 là 1.800 em.

Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam những năm qua có xu hướng giảm. Năm 2010, số trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam là 3.300 trẻ. Năm 2016, con số này giảm xuống còn 2.350 và năm 2023 là 1.800 em.

Mỗi năm đã kéo giảm từ 3% đến 5% số vụ trẻ em tử vong do đuối nước, tương ứng với khoảng 100 sinh mạng trẻ được cứu sống.

Tuy vậy, số trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam vẫn giảm chậm và luôn có nguy cơ tăng trở lại do nước ta rơi vào vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão lũ bất thường.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam lo ngại, số ca tử vong do đuối nước sẽ tăng trở lại nếu địa phương không triển khai thực hiện những giải pháp, mô hình ứng phó, ngăn chặn kịp thời.

Thống kê sơ bộ của Cục Trẻ em cho thấy, hiện tổng chi ngân sách địa phương và ngân sách trung ương cho công tác phòng chống tai nạn đuối nước giai đoạn 2021-2023 chỉ khoảng 54 tỷ đồng, trong đó 32% từ các nguồn trong nước và 68% đến từ quỹ hỗ trợ, vận động quốc tế.

So sánh con số này với mức ngân sách cần chi để đạt mục tiêu kéo giảm số ca tử vong do đuối nước xuống còn 1.400 trẻ/năm, chúng ta sẽ thấy vẫn đang là thách thức lớn.

Cần đầu tư ngân sách triển khai các mô hình can thiệp

Hướng tới mục tiêu kéo giảm số trẻ em tử vong do đuối nước ảnh 2

Lớp dạy bơi miễn phí mùa hè tại Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh ÁNH DƯƠNG)

Tiến sĩ Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em ở Việt Nam. Để giảm tai nạn thương tích do đuối nước cần thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn. Trong đó, các khóa đào tạo kỹ năng an toàn cần được ưu tiên; chú trọng xây dựng cộng đồng an toàn, đào tạo sơ cứu đuối nước cho người dân; tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non, bảo đảm an toàn và phòng tránh đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng; lập các điểm trông trẻ trong mùa lũ lụt, mùa nước lên…

Một số giải pháp, mô hình can thiệp, giảm thiểu tử vong do đuối nước trẻ em ở Việt Nam được WHO và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu của Hoa Kỳ (GHAI) đánh giá cao và cho rằng, các biện pháp này có thể phổ biến cho những quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội tương tự Việt Nam.

Theo tính toán từ dự án phòng, chống đuối nước trẻ em đang được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của WHO, GHAI và Quỹ từ thiện Bloomberg, kinh phí để một trẻ em được học bơi an toàn và được trang bị các kỹ năng an toàn, đạt tiêu chí bơi an toàn phòng, chống đuối nước (tự bơi được 25m và tự nổi trong 90 giây) là khoảng 700.000 đồng/trẻ.

Con số này bao gồm các chi phí về lắp đặt bể bơi, nhân công, điện nước, hướng dẫn viên dạy bơi… Các địa phương có thể triển khai cuốn chiếu, đào tạo, trang bị cho các độ tuổi theo từng năm, mỗi năm một ít thì dần dần, sẽ có hàng triệu trẻ em được bảo vệ.

Theo tính toán từ dự án phòng, chống đuối nước trẻ em đang được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của WHO, GHAI và Quỹ từ thiện Bloomberg, kinh phí để một trẻ em được học bơi an toàn và được trang bị các kỹ năng an toàn, đạt tiêu chí bơi an toàn phòng, chống đuối nước (tự bơi được 25m và tự nổi trong 90 giây) là khoảng 700.000 đồng/trẻ.

Thực tế cho thấy, các địa phương đầu tư, triển khai các mô hình can thiệp đều có thể kéo tỷ lệ tử vong do đuối nước xuống thấp, điển hình là các tỉnh như Đồng Tháp, Nghệ An.

Cụ thể, tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về lắp đặt bể bơi ở các trường học và các xã khó khăn miền núi, hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp học bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở các xã khó khăn. Đồng Tháp đã phân bổ dòng ngân sách riêng cho phòng, chống đuối nước trẻ em.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Cứu sinh mạng trẻ là vấn đề cần được ưu tiên. Trong khi đó, đầu tư ngân sách triển khai các mô hình can thiệp nhằm phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em thực sự không tốn quá nhiều ngân sách”.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 là giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích của trẻ em. Trong đó, giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần nghiêm túc triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Theo đó, phải bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách đối với trẻ em; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030…

Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn năm 2021-2030 đặt chỉ tiêu giảm 20% số ca tử vong do đuối nước ở trẻ em vào năm 2030 so với năm 2021. Để đạt mục tiêu này, Cục Trẻ em và nhóm nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng dự toán, tổng ngân sách cần chi đến năm 2025 phải đạt khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này đang còn quá thấp.

Thống kê sơ bộ của Cục Trẻ em cho thấy, hiện tổng chi ngân sách địa phương và ngân sách trung ương cho công tác phòng chống tai nạn đuối nước giai đoạn 2021-2023 chỉ khoảng 54 tỷ đồng. Trong đó, có 32% từ các nguồn trong nước và 68% đến từ quỹ hỗ trợ, vận động quốc tế.

So sánh con số này với mức ngân sách cần chi để đạt mục tiêu kéo giảm số ca tử vong do đuối nước xuống còn 1.400 trẻ/năm, sẽ nhận thấy đây vẫn đang là thách thức lớn.

Các đánh giá cho thấy, những địa bàn xã có các giải pháp can thiệp, đặc biệt là triển khai mô hình dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn nước cho học sinh, trẻ em thì sau 3 đến 5 năm, tỷ lệ tử vong do đuối nước trẻ em giảm xấp xỉ một nửa.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, việc thực hiện những giải pháp căn cơ của các địa phương cần chủ động phân bổ ngân sách và tổ chức thực hiện hợp lý. Hiện tại, mức chi ngân sách ở các tỉnh, thành phố không bảo đảm đạt được mục tiêu kéo giảm nhanh và bền vững tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước.

Nguyên tắc 3K-3T trong phòng, chống đuối nước ở trẻ em

3K với trẻ em:

- Không xuống nước khi không biết bơi

- Không đi bơi khi không có người lớn

- Không chơi đùa tại các sông, suối, ao hồ, giếng nước... dễ dẫn đến đuối nước

3T với người lớn:

- Thường xuyên nhắc nhở con em về nguy cơ tai nạn đuối nước

- Tập bơi cho trẻ, dạy trẻ kỹ năng phòng chống đuối nước

- Tăng cường quản lý, không để con em đi bơi ở ao, hồ, sông, suối; làm rào, đậy nắp khu vực chứa nước nguy hiểm.