Theo Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long, năm 2022, ngành thú y đã triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Ảnh hưởng của dịch Covid-19, các rào cản thương mại các nước mới áp dụng, cộng thêm xung đột chính trị-kinh tế giữa Nga và Ukraine đã tác động trực tiếp đến các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu, giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, lạm phát tăng cao; dịch bệnh trên vật nuôi có nguy cơ tái diễn trên diện rộng và diễn biến phức tạp như: bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, bệnh dại.
Bên cạnh đó, hệ thống thú y các cấp thay đổi, nhất là tại cấp huyện, cấp xã, nhiều địa phương chưa kiện toàn lại hệ thống thú y theo quy định của Luật Thú y, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các nhiệm vụ thú y, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành thú y cho nên đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2022, ngành thú ý đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Năm 2022, cả nước xây dựng được 608 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, tăng 195 vùng, cơ sở so với năm 2021 (413 vùng, cơ sở). Lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố. Cũng trong năm nay, Cục đã thực hiện kiểm dịch xuất khẩu hơn 13.000 tấn sữa, gần 3.700 tấn thịt gà chế biến, tăng 31,18% so năm 2021; xấp xỉ 6.000 tấn thịt lợn các loại, tăng 19,65% so năm trước (5.000 tấn)…
Bên cạnh những việc làm được, ngành thú y cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm như: việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân còn chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vaccine. Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Việc quản lý vận chuyển chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; điều kiện cơ sở vật chất của hệ thống các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; hầu hết các trạm không có nơi xét nghiệm, không có thiết bị để thực hiện các xét nghiệm nhanh, không có khu vực nuôi nhốt cách ly động vật và nơi lưu giữ sản phẩm động vật,...
Để khắc phục những hạn chế, làm tốt hơn trong năm 2023, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: theo dõi tình hình dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, viêm da nổi cục trên trâu, bò, dại; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 6 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của virus cúm gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu.
Bên cạnh đó, ngành thú y cần giám sát lưu hành và giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh lở mồm long móng; xác định hiệu lực các loại vaccine phù hợp; xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm; hỗ trợ các các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm…, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định.