Quảng Bình chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

NDO - Hiện đang là thời điểm giao mùa, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm rất cao. Vì thế tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị và người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên thú y huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc.
Nhân viên thú y huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc.

Đầu năm nay, dịch lở mồm long móng xảy ra ở thôn 4, xã Thanh Hóa và dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở hai thôn thuộc các xã Lâm Hóa và Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa làm hàng chục con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa và các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm. Các địa phương tiếp tục triển khai tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường, đặc biệt là tại các vùng đã xảy ra dịch bệnh động vật, vùng có nguy cơ cao.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Tuyên Hóa Trần Văn Cần cho biết, đơn vị đã cung ứng 800 lít hóa chất và hơn 59.000 liều vaccine cho các xã, thị trấn để tiêm phòng cho đàn vật nuôi và phun hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Về chính sách, ngoài hỗ trợ 100% số hóa chất để khử trùng tiêu độc môi trường, Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ 40% giá đối với hai loại vaccine lở mồm long móng và viêm da nổi cục cho vùng đồng bằng, 100% giá cho đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã Thanh Hóa, Lâm Hóa.

Ngoài việc cung ứng vaccine và hóa chất, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ, nhân viên bám sát cơ sở theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo tiêu độc khử trùng và tiêm vaccine phòng bệnh cho vật nuôi.

Lệ Thủy cũng là huyện có đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn hai triệu con, trong đó có những trang trại nuôi quy mô khoảng 500 con lợn và từ 5.000 đến 10.000 con gia cầm. Hiện nay, nhiều nông hộ, trang trại có nhu cầu phát triển đàn, thêm vào đó việc vận chuyển buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm phục vụ nhu cầu của thị trường ngày càng tăng nên nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây lan trên địa bàn huyện là rất lớn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn sản xuất.

Bên cạnh việc triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh, huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền nhằm nhận biết các dấu hiệu bệnh và biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng.

Với các biện pháp đồng bộ và sự nỗ lực đó, từ tháng 6/2022 đến nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Quảng Bình được kiểm soát tốt, không xuất hiện các ổ dịch lớn.

Quảng Bình chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi ảnh 1

Phun hóa chất khử khuẩn khu vực chuồng trại chăn nuôi của người dân ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi ở Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn khi chăn nuôi trâu, bò, lợn ở các địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, chăn thả tự do; tỷ lệ tiêm các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm năm vừa qua đạt thấp, dẫn tới khả năng miễn dịch của vật nuôi còn hạn chế.

Mặt khác, nhiều xã trong tỉnh không có nhân viên thú y nên việc giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh chậm, chưa kịp thời. Việc quản lý hoạt động giết mổ ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ, một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa bảo đảm quy định an toàn thực phẩm vẫn hoạt động lén lút.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, hiện đàn trâu, bò trên địa bàn có gần 133 nghìn con, đàn lợn hơn 240 nghìn con, gia cầm hơn 4,6 triệu con. Nhằm bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trước nguy cơ dịch bệnh, tỉnh đang thực hiện các biện pháp quyết liệt.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân tiêm vaccine cho đàn vật nuôi.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám, lực lượng thú y căn cứ đặc điểm dịch tễ của các dịch bệnh để xem xét, quyết định tiêm phòng cho đối tượng gia súc phù hợp. Các loại vaccine được tiêm chủ yếu là cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn. Ngoài hai đợt tiêm chính trong năm, tỉnh tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc phát sinh sau các đợt tiêm chính để bảo đảm tỷ lệ đạt ít nhất 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Bên cạnh đó, việc tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch, khu vực có nguy cơ để loại trừ, hạn chế sự phát tán của mầm bệnh luôn được chú trọng.

Từ nay đến dịp Tết Nguyên đán 2023, hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trên địa bàn cũng sẽ được siết chặt hơn.

Ông Trần Công Tám cho biết thêm, song song với nhiệm vụ tuyên truyền, lực lượng chức năng tỉnh phối hợp Chi cục Thú y vùng III thực hiện kiểm tra, giám sát trâu, bò nhập khẩu tại cảng Hòn La, cửa khẩu Cha Lo và lợn nhập khẩu tại các khu cách ly kiểm dịch ở địa bàn.

Chi cục lập các đội kiểm soát lưu động liên ngành để kiểm tra hoạt động vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường 12A và các tuyến đường liên huyện, liên xã nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Chi cục tăng cường xử lý hoạt động giết mổ trái phép để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời định kỳ xây dựng chương trình giám sát điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ.

Thời tiết đang chuyển mùa, nguy cơ đàn vật nuôi nhiễm bệnh là rất lớn nhưng với các biện pháp tích cực của lực lượng chức năng, cùng sự chủ động của người dân, tin rằng, công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở Quảng Bình sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người dân.