Dịch bệnh vật nuôi gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi ở Quảng Ngãi

NDO -

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương khiến hàng nghìn con bê, lợn, vịt bị chết và tiêu hủy, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.

Dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi ở Quảng Ngãi.
Dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi ở Quảng Ngãi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã và đang xảy ra tại 834 cơ sở chăn nuôi của 7/13 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 913 con bê mắc bệnh, làm chết 193 con với tổng trọng lượng 18.045 kg.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 19 cơ sở chăn nuôi của 6/13 huyện, thị xã với tổng số lợn bị chết và tiêu hủy là 337 con với tổng trọng lượng 15.155 kg. Dịch cúm gia cầm A/H5N8, H5N1 xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi và 1 hộ ở xã Trà Bình, huyện miền núi Trà Bồng với tổng số vịt bắt buộc phải tiêu hủy là 4.625 con.

Ngoài ra, theo kết quả xét nghiệm giám sát lưu hành virus cúm gia cầm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện có 9/27 mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N1.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các dịch bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine; đặc biệt lưu ý đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ cao, đã được tiêm vaccine nhưng sắp hết thời gian miễn dịch.

Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng; đặc biệt quán triệt, yêu cầu thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật.

Tổ chức triển khai vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

Triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật tại các cơ sở nhập con giống, chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, buôn bán thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định, nhất là vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập tỉnh không rõ nguồn gốc, nhiễm bệnh; tổ chức hướng dẫn cho người chăn nuôi về biện pháp phòng, chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học; thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng các chuỗi, vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.