Nỗ lực ổn định sau “cú sốc ngân hàng” tại Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đã khẳng định hệ thống ngân hàng nước này vẫn an toàn, trong bối cảnh lo ngại nổi lên về tác động từ sự cố sụp đổ liên tiếp của một số ngân hàng. Không chỉ giới chức Mỹ phải can thiệp để ngăn chặn kịch bản xấu, các nước cũng theo sát diễn biến vụ việc tại Mỹ, nhằm bảo đảm ổn định các thị trường tài chính.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) trở thành ngân hàng lớn nhất ở Mỹ phải đóng cửa kể từ sau vụ ngân hàng Washington Mutual phá sản năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính. SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng. Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) được chỉ định là nơi nhận tiền bán các tài sản của SVB.

Theo FDIC, tất cả những khách hàng có bảo hiểm tiền gửi sẽ được rút hết số tiền của mình. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm tiền gửi. Để giải quyết vấn đề này, FDIC cho biết sẽ tìm cách bán tài sản của SVB để chi trả cổ tức cho những khách hàng không có bảo hiểm tiền gửi. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và FDIC còn cân nhắc lập quỹ, để nhà chức trách có thể hỗ trợ những ngân hàng gặp khó khăn.

Để trấn an người gửi tiền và nhanh chóng ổn định thị trường tài chính, Tổng thống Biden khẳng định, người dân Mỹ có thể tin tưởng vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng trong nước.

Tổng thống Biden cũng hối thúc Quốc hội ban hành quy định nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng, tránh để vụ việc tương tự lặp lại. Ông lưu ý rằng, một gói cứu trợ lớn, từng được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không nằm trong số các biện pháp mà chính phủ đang cân nhắc. Ủy ban Chứng khoán và hối đoái của Mỹ (SEC) sẽ tập trung theo dõi sự ổn định của thị trường, xác định và trừng phạt bất cứ hành động sai trái nào đe dọa nhà đầu tư trong giai đoạn bấp bênh này.

Phản ứng trước việc một số ngân hàng Mỹ đóng cửa, Ủy viên kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni khẳng định, vụ việc không gây mối đe dọa nghiêm trọng đối với thị trường tài chính châu Âu.

Các Bộ trưởng Tài chính Pháp và Bỉ cho rằng, hai nước này sẽ không đối mặt tác động lan rộng từ việc SVB phá sản, đồng thời nhấn mạnh về sự khác biệt giữa mô hình tài chính của các ngân hàng châu Âu so với SVB. Giới chuyên gia vẫn nhận định tích cực về khả năng thanh khoản lớn và đa dạng của các ngân hàng EU.

Tại châu Á, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc nhận định rằng, tác động của vụ SVB phá sản sẽ không lan rộng trên toàn cầu, mặc dù trên thực tế vụ việc đã gây tình trạng xáo trộn trên các thị trường tài chính. Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, chính phủ sẽ tăng cường giám sát diễn biến liên quan và lên kế hoạch hợp tác với các công ty tư nhân để đưa ra cơ chế phản hồi.

Trong khi đó, Phó phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết, sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ hầu như không gây bất kỳ tác động nào đối với kinh tế Thái Lan, do các tổ chức tài chính nước này cũng không thực hiện giao dịch thông qua các ngân hàng nêu trên.

Hàng loạt động thái trấn an của giới chức Mỹ đã giúp tạm thời hạ nhiệt bầu không khí đầy lo lắng ở Thung lũng Silicon. Việc các cơ quan quản lý ngân hàng khẳng định những người gửi tiền tại SVB sẽ được tiếp cận với nguồn tiền của mình đã giúp giải tỏa lo ngại của các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ về việc môi trường tài chính cho các công ty khởi nghiệp, khi SVB là nhà cho vay quan trọng của các công ty này từ những năm 1980.

Tâm lý hoang mang của nhiều nhà đầu tư sau “cú sốc SVB” khiến thị trường chứng khoán của Mỹ, EU lẫn châu Á lao dốc, hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư bị mắc kẹt. Lo ngại xảy ra hiệu ứng domino, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang theo dõi sát và đánh giá tác động đến sự ổn định tài chính, đồng thời tin tưởng Washington sẽ có các biện pháp quản lý thích hợp.