Biến động thị trường tài chính tác động trái chiều lên giá kim loại và năng lượng

NDO - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa chứng kiến những biến động rất mạnh trong ngày hôm qua, 13/3. Lực bán áp đảo trên 3 nhóm nông sản, công nghiệp và năng lượng. Tuy nhiên, lực mua rất mạnh trên nhóm kim loại đã khiến chỉ số hàng hóa chung  đóng cửa chỉ giảm nhẹ 0,16% xuống 2.289 điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Biến động thị trường tài chính tác động trái chiều lên giá kim loại và năng lượng ảnh 1

Ngược lại, giá trị giao dịch toàn Sở bật tăng rất mạnh hơn 60%, đạt gần 6.500 tỷ đồng, cao nhất kể từ giữa tháng 11/2022.

Kim loại quý tăng vọt

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, tâm điểm về những biến động trên thị trường tài chính kể từ sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) có tác động mạnh mẽ nhất tới thị trường kim loại, khiến các mặt hàng trong nhóm trải qua một phiên giao dịch rung lắc mạnh, đặc biệt là nhóm kim loại quý. Vai trò trú ẩn của vàng, bạc, hay bạch kim được phát huy, thúc đẩy lực mua tích cực đối với nhóm. Bạc ghi nhận phiên tăng trong ngày mạnh nhất kể từ đầu tháng 10 năm ngoái, chốt phiên tại 21,92 USD/ounce sau khi tăng vọt 6,91%. Bạch kim cũng ghi nhận mức tăng 4,44%, chạm mốc 1004,9 USD/ounce.

Sau sự kiện sụp đổ của Ngân hàng SVB và Signature Bank do mất tính thanh khoản trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng cao, cổ phiếu của hàng loạt các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư trước nguy cơ khủng hoảng tài chính. Chỉ số đo lường mức độ sợ hãi của phố Wall có thời điểm chạm mức cao nhất trong vòng gần 5 tháng qua. Lo ngại về việc sự kiện này có thể gây ra hiệu ứng “domino” và kéo theo khủng hoảng trên diện rộng đã khiến dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường rủi ro và liên tục tìm đến các thị trường trú ẩn an toàn như trái phiếu và kim loại quý (vàng, bạc, bạch kim). Đây đều là những tài sản hoạt động tốt trong thời kỳ nền kinh tế gặp biến động.

Bên cạnh đó, trước rủi ro tài chính tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát đi thông báo nhằm trấn an thị trường khi đưa ra các cam kết bảo vệ các tài khoản tiền gửi, sẵn sàng ứng phó với bất kỳ căng thẳng thanh khoản nào, cung cấp các khoản vay khẩn cấp tới 1 năm. Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố sẽ “thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết để bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng Mỹ”.

Điều đó khiến thị trường hiện quay trở lại với ý kiến FED sẽ giữ nguyên lãi suất hoặc chỉ tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào rạng sáng ngày 22/3 sắp tới nhằm tránh một cuộc suy thoái kinh tế. Chỉ số Dollar Index giảm gần 1% do đồng USD suy yếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm cũng giảm tới 16 điểm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2, càng làm tăng sức hấp dẫn cho bạc và bạch kim do chi phí cơ hội của việc nắm giữ bớt đắt đỏ hơn, kéo giá liên tục tăng vọt. Dòng tiền hoàn toàn bị hút về thị trường trú ẩn trong phiên hôm qua.

Biến động thị trường tài chính tác động trái chiều lên giá kim loại và năng lượng ảnh 2

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX cũng ghi nhận một phiên biến động mạnh trước khi kết thúc với mức tăng 0,57% lên 4,05 USD/pound. Với vai trò trong công nghiệp lấn át, và là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, lo ngại từ sự sụp đổ của ngân hàng SVB có thể gây ra hệ lụy tiêu cực tới nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng cao đã kéo giá sụt giảm mạnh mẽ trong nửa đầu phiên, có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, giá đồng bất ngờ phục hồi mạnh mẽ trở lại trong phiên tối, một phần do sự trấn an và cam kết hỗ trợ từ phía Chính phủ Mỹ xoa dịu tâm lý thị trường, một phần do triển vọng nhu cầu chủ yếu tập trung ở nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn tương đối sáng sủa. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải đã giảm tuần thứ 2 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ ngày 20/1, đạt mức 117.358 tấn, số đơn đặt hàng từ các đơn vị hạ nguồn cũng tăng lên, cho thấy dấu hiệu cải thiện về mặt nhu cầu và thúc đẩy lực mua.

Quặng sắt cũng đóng cửa trong sắc xanh sau khi tăng 2,14% lên mức 131,52 USD/tấn khi lợi nhuận từ các nhà máy thép tại Trung Quốc được cải thiện song song với nhu cầu tiêu thụ. Theo khảo sát đối với 247 nhà máy sản xuất từ Mysteel, tỷ lệ sử dụng công suất lò cao đã tăng tuần thứ 9 liên tiếp, tăng 0,89 điểm phần trăm lên mức 88,03% trong tuần kết thúc ngày 9/3. Điều đó đã hỗ trợ đáng kể cho giá nguyên liệu thô quặng sắt phục vụ cho ngành sản xuất thép.

Giá dầu thô suy yếu

Giá dầu giảm trong một phiên giao dịch đầy biến động, trong bối cảnh thị trường hết sức lo ngại về những rủi ro phát sinh từ sự sụp đổ của ngân hàng SVB. Kết thúc phiên 13/3, giá dầu thô WTI giảm 2,45% về 74,80 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,43% về 80,77 USD/thùng.

Biến động thị trường tài chính tác động trái chiều lên giá kim loại và năng lượng ảnh 3

Giá dầu gần như đi ngang trong phiên sáng khi mà các nhà đầu tư thận trọng cân nhắc tác động tới từ vụ việc phá sản của SVB. Thị trường dầu cũng được hỗ trợ khi các nhà chức trách của Mỹ đưa ra các biện pháp khẩn cấp để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng và không để các tác động tiêu cực lan rộng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, lực bán mạnh mẽ xuất hiện trên thị trường dầu thô từ phiên chiều cùng với thời điểm các thị trường chứng khoán ở châu Âu mở cửa và sụt giảm mạnh mẽ. Các nhà đầu tư lo ngại rằng tác động tiêu cực từ vụ việc của SVB sẽ lan rộng ngoài biên giới của nước Mỹ, và có thể chuyển thành một cuộc khủng hoảng tài chính mới, và làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ đối với dầu thô trên toàn cầu.

Không chỉ riêng SVB, nhiều nguồn tin cho biết, ba ngân hàng tiếp theo có thể phá sản bao gồm: First Republic Bank, Pacific Western và Western Alliance, và điều này đã khiến cho dòng tiền bị rút khỏi các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có thị trường dầu và phân bổ sang các loại tài sản an toàn như kim loại quý và trái phiếu.

Bước sang phiên tối, giá dầu hồi phục một phần khi thị trường Mỹ mở cửa. Việc Dollar Index giảm phiên thứ tư liên tiếp về mức thấp nhất trong vòng một tháng qua đã giúp cho giá dầu hồi phục vào phiên tối. Nhưng vẫn không đủ để giá đóng cửa trong sắc xanh.

Về phía các yếu tố cung cầu, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng 68.000 thùng/ngày lên 9,21 triệu thùng và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Nhiều nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn, nhất là khi công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Saudi Aramco dự báo tiêu thụ có thể sẽ đạt mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Tại châu Âu, bất chấp các lệnh cấm vận, xuất khẩu dầu thô trên đường biển của Nga tăng nhẹ 200.000 thùng/ngày lên mức 3,3 triệu thùng/ngày. Trong đó, khoảng 3,28 triệu thùng được hướng tới châu Á, với ba điểm đến chính là: Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 62%. Ấn Độ tiếp tục là đối tác lớn nhất của Nga sau khi đã vượt qua Trung Quốc kể từ đầu tháng 11/2022.

Có thể thấy, các rủi ro vĩ mô đang là yếu tố dẫn dắt thị trường dầu và làm lu mờ các yếu tố cơ bản về cung cầu. Trong hôm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ. Đây là số liệu lạm phát quan trọng và là một yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định về lãi suất của Mỹ trong cuộc họp vào cuối tháng 3.

Giá xăng tiệm cận mốc 24.000 đồng/lít

Trên thị trường nội địa, từ 15 giờ ngày 13/3, Bộ Công Thương đã có thông báo về kỳ điều hành giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5RON92 tăng 385 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.

Sau khi điều chỉnh, xăng E5RON92 có giá bán không cao hơn 22.806 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 493 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành và có giá bán không cao hơn 23.818 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S tăng 247 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành; có giá bán không cao hơn 20.502 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 241 đồng/lít có giá không cao hơn 20.715 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 724 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành; và có giá bán không cao hơn 15.279 đồng/kg.

Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 8 đợt điều chỉnh, trong đó có 5 đợt tăng, 2 đợt giảm và 1 lần giữ nguyên.