Nỗ lực giữ một thai còn lại cho sản phụ mang song thai

NDO - Sinh non và mất một thai ở tuần 23, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nỗ lực giữ thai còn lại cho sản phụ thêm 5 tuần để đón em bé chào đời an toàn nặng 1700g.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phụ được các bác sĩ hỗ trợ giữ một thai thành công.
Sản phụ được các bác sĩ hỗ trợ giữ một thai thành công.

Kết hôn được 3 năm, chị N.A.T (28 tuổi) luôn mang trong mình khao khát được làm mẹ. Sau nhiều nỗ lực để mang thai tự nhiên và thực hiện IUI không thành công, chị quyết định thực hiện IVF và thành công ở lần chuyển phôi thứ 2 với hai phôi thai đậu.

Tuy nhiên đến tuần 23, chị cảm thấy đau lâm râm bụng. Khi tới một cơ sở y tế khám, bác sĩ nhận thấy cổ tử cung của chị vẫn đóng, chiều dài cổ tử cung 32mm, nên tư vấn chị về nhà theo dõi, chỉ định uống thuốc giảm co, thuốc nội tiết. Sau 1 ngày, chị tự phát hiện ối thõng âm đạo.

Chị nhanh chóng tới cơ sở thực hiện IVF trước đó khám cấp cứu nhưng do vượt quá khả năng điều trị, chị được tư vấn chuyển tới khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Tại đây, chị T. được nhập viện khi cổ tử cung đã mở 2-3 phân, chân một bé đã lọt ra ngoài, chị T. sinh non một bé và bé mất ngay sau sinh. Các bác sĩ khẩn trương hội chẩn và quyết định giữ thai còn lại, trực tiếp Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương - Phó khoa Sản bệnh A4 tiếp nhận điều trị cho chị T.

Trước đây đã có những trường hợp song thai mà bác sĩ Phương và đồng nghiệp giữ thai thành công sau khi 1 thai đã sảy, nhưng với chị T, điều khó khăn hơn các trường hợp trước đó là chị bị tăng huyết áp - một bệnh lý nội khoa kèm theo có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương chỉ định dùng các thuốc điều trị và phác đồ chăm sóc để tiếp tục giữ em bé còn lại trong bụng mẹ. Chị tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt. Mỗi ngày trôi qua là một thử thách khi thai nhi còn lại phải đối mặt với tình trạng ra máu, nhiễm trùng và dọa đẩy thai ra liên tục.

Đến tuần 26, khó khăn tiếp tục ập đến khi chị có dấu hiệu vỡ ối, chảy máu âm đạo do bánh rau của em bé đầu tiên đã sinh trước đó bong ra.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trương Minh Phương chỉ định tiêm trưởng thành phổi nhằm phòng trường hợp em bé còn lại chào đời sớm hơn dự kiến.

Sang tuần 27, chị T. có dấu hiệu cạn ối và có cơn chuyển dạ, bác sĩ chỉ định dùng mũi trưởng thành phổi thứ 2 và thuốc bảo vệ não cho thai. Chỉ sau mấy tiếng, em bé thứ 2 chào đời với cân nặng 800g.

Nhờ được chăm sóc đặc biệt trước sinh, con có Apgar tốt so với tuổi thai. Sau một thời gian được các y bác sĩ, nhân viên y tế khoa Sơ sinh chăm sóc tận tình, nay con đã nặng 1700g và đang được ấp Kangaroo cảm nhận hơi ấm trong vòng tay mẹ.

Với chị T, được ôm con trong lòng mà chị ngỡ như trong mơ. Đã có thời gian chị tưởng chừng không có cơ hội làm mẹ, vậy mà nay chị đã được cảm nhận từng hơi thở, từng cử động của con.