Giữ song thai thêm 9 tuần cho sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai

NDO - Sáu năm hiếm muộn, sản phụ N.T.H (33 tuổi, Lạng Sơn) được phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai ở tuần 25. Diễn biến của hội chứng truyền máu song thai giai đoạn 4 khiến các bác sĩ rất cân não để giữ được thai an toàn cho sản phụ.
0:00 / 0:00
0:00
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê mổ bắt thai cho sản phụ.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê mổ bắt thai cho sản phụ.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, sản phụ H. đến khám trong tình trạng song thai nguy kịch. Một thai tình trạng kiệt quệ vì cạn ối hoàn toàn; một thai đa ối, phù toàn thân, suy tim, kích thước tim lớn và tràn dịch màng phổi. Cơ hội cứu thai nhi rất mong manh.

Nhìn sản phụ tuyệt vọng sau 6 năm hiếm muộn với khao khát giữ được thai đôi, Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê và ê-kíp quyết tâm thực hiện kỹ thuật can thiệp buồng ối với hy vọng mang lại sự sống cho bào thai.

Tuy nhiên, cái khó khi phẫu thuật truyền máu song thai giai đoạn 4 (giai đoạn nguy hiểm, tỷ lệ thành công cực thấp) là tình trạng thai to khiến phẫu trường bị che khuất. Nước ối không còn trong khiến đường đi của tia laser nối mạch máu phải thận trọng.

Một chút chuyển động của thai nhi có thể làm tia laser bị đẩy xa, nguy cơ vỡ mạch máu. Lúc này cuộc phẫu thuật coi như thất bại. Chính vì vậy, bác sĩ thực hiện phải dày dặn kinh nghiệm, dự phòng các nguy cơ, cẩn trọng tuyệt đối.

Ban đầu, Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê và ê-kíp nghĩ đến phương án có thể phải hy sinh một thai nhi để cứu thai còn lại. Nhưng bằng tay nghề cao, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công. Sau một tuần, thai nhi phát triển ổn định, an toàn trong bụng mẹ đến 34 tuần.

Ca mổ khó do chị Hồng mang thai to, tiền sử đa ối, nguy cơ cao băng huyết, đờ tử cung. Bác sĩ Hiền Lê trực tiếp giúp chị Hồng mẹ tròn con vuông. Hai bé trai lần lượt chào đời khỏe mạnh, cân nặng 2,6kg và 1,9kg, được chăm sóc đặc biệt ngay khi ra đời. Hiện cả hai bé sức khỏe ổn định được xuất viện về nhà.

Truyền máu song thai là tai biến trước sinh nghiêm trọng, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, hậu quả là tử vong thai nhi và sinh non. Hiệp hội Truyền máu song thai Mỹ ghi nhận hội chứng này xảy ra với khoảng 15% trường hợp mang song thai có chung một bánh nhau. Hội chứng này chiếm tỷ lệ 0,1-1,9/1.000 trẻ sinh ra. Tỷ lệ tử vong chiếm 80-100% trước 26 tuần nếu không điều trị.

Thai nhi cho máu bị giảm thể tích tuần hoàn, dẫn tới tình trạng thiểu niệu, thiểu ối và chậm tăng trưởng. Lượng nước ối giảm dần theo thời gian khiến cho thai nhi bị bó chặt bên trong màng ối, quan sát trên siêu âm có thể thấy thai nhi bị “dính” vào thành tử cung và không cử động cũng như thay đổi tư thế. Nếu không được điều trị kịp thời, 90-100% sẽ bị thai lưu.

Thai nhi được nhận nhiều máu nuôi sẽ có biểu hiện tình trạng đa niệu, bàng quang căng to, đa ối, phù nề, suy tim do sự tăng thể tích tuần hoàn quá mức. Nếu không điều trị, hầu hết các trường hợp đều bị sinh cực non.

Giữ song thai thêm 9 tuần cho sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai ảnh 1

Hai bé trai chào đời khỏe mạnh.

Bác sĩ Hiền Lê nhấn mạnh, sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai nếu không được điều trị, nguy cơ tử vong cả hai thai lên tới 90% đến 100%. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong thai nhi là 40% và tỷ lệ tử vong sơ sinh lên đến 60%. Nếu một trong hai thai chết, 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề.

Trước năm 2018, chưa có đơn vị nào ở Việt Nam ứng dụng laser phẫu thuật can thiệp bào thai điều trị hội chứng truyền máu. Mỗi năm có hàng nghìn thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai bị tử vong vì không được điều trị.

Điều trị bằng phẫu thuật laser cho thai ở tuần 16-26 khi tình trạng hội chứng truyền máu song thai ở giai đoạn II-IV được coi là phương pháp tối ưu. Bằng cách nội soi trong buồng ối, sử dụng tia laser đốt các cầu nối mạch máu trong bánh nhau, ngăn chặn máu thai này truyền sang thai kia, giúp hai thai phát triển độc lập, có thể cứu sống được cả 2 thai với tỷ lệ 60% hoặc ít nhất một thai sống với tỷ lệ 80-90%.

Sau 6 năm triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai, chuyên gia Đinh Thị Hiền Lê và Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã thực hiện hàng trăm ca truyền máu song thai thành công, cứu sống các em bé.

"Hội chứng truyền máu song thai không có triệu chứng rõ rệt. Lúc thai phụ cảm thấy tức bụng là đã giai đoạn cuối, khả năng thai nhi tử vong trong bụng mẹ cao. Do đó, thai phụ mang song thai cần khám thai đúng lịch tại các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện chẩn đoán hiện đại để phát hiện và xử trí kịp thời, tránh rủi ro cho em bé", bác sĩ Hiền Lê khuyến cáo.