Sản phụ mang song thai cùng trứng hiếm gặp từ một phôi IVF

NDO - Được chuyển một phôi thành công, người mẹ hiếm muộn nhiều năm bất ngờ đón nhận tin vui khi phôi phân chia thành hai thai nhi, khác túi ối. Đây là trường hợp song thai cùng trứng hiếm gặp trên thế giới. 
0:00 / 0:00
0:00
Hai bé trai chào đời khỏe mạnh.
Hai bé trai chào đời khỏe mạnh.

Hai năm sau kết hôn, chị H.L (37 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) không thể có con tự nhiên. Chị được chẩn đoán suy giảm dự trữ buồng trứng, chỉ định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Tuy nhiên, trong 3 lần chuyển phôi, chị L. đều thất bại, trong đó một lần thai lưu khi được 5 tuần, một lần thai sinh hóa, còn lại không có thai.

Tháng 7/2022, vợ chồng chị Linh đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh để mong mỏi cơ hội có con.

Bác sĩ Lê Xuân Nguyên cho biết, chị Linh thuộc nhóm bệnh nhân lớn tuổi và suy giảm dự trữ buồng trứng. Bệnh nhân điều trị thụ tinh nhân tạo (IVF) nhiều lần chuyển phôi nhưng thất bại liên quan đến bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Thời điểm đó, kết quả siêu âm buồng trứng chị Linh chỉ có 3-4 nang noãn trong một tháng.

"Chúng tôi ưu tiên gom noãn nhiều chu kỳ trước khi buồng trứng cạn kiệt, nhằm tạo được nhiều phôi hơn. Sau 3 chu kỳ, chị L. gom được 12 noãn trưởng thành, tạo được 8 phôi ngày 3. Toàn bộ phôi tiếp tục nuôi lên ngày 5 được 6 phôi, trong đó có 3 phôi loại 1, 1 phôi loại 2 và 3 phôi loại 3.

Trường hợp này, chúng tôi còn nội soi buồng tử cung phát hiện bị viêm nặng, cùng với bệnh lý lạc nội mạc tử cung, khiến những lần chuyển phôi trước đó không thành công", bác sĩ Nguyên cho hay.

Sau thời gian điều trị một tháng, chuẩn bị nội mạc tử cung và chuyển một phôi ngày 5 loại 1, chị L. hạnh phúc khi đã thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên.

Điều đặc biệt là phôi phân chia thành hai thai nhi, khác túi ối. Đây là trường hợp song thai cùng trứng. Trẻ sẽ giống nhau hoàn toàn về di truyền và có cùng giới tính. Đây cũng là trường hợp hiếm gặp trong thụ tinh ống nghiệm. Theo các thống kê trên thế giới, tỷ lệ song thai cùng trứng khoảng 4/1.000.

Trong niềm hạnh phúc ấy, chị L. cũng đầy lo lắng trước nguy cơ hội chứng truyền máu song thai, nguy cơ thai lưu lên đến 95% và các bất thường nhiễm sắc thể, dị tật tim bẩm sinh hoặc các dị tật khác. Bên cạnh đó thai kỳ song thai tăng hàng loạt các nguy cơ sinh non, đái tháo đường thai kỳ, thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

Bởi vậy, các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã theo dõi thai kỳ rất kỹ lưỡng.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Bình Lụa, việc quản lý thai kỳ song thai cho chị Linh được thực hiện sát sao hơn so với những trường hợp khác. Sản phụ này cũng đối diện với 3 lần dọa sinh non.

Lần đầu tiên ở tuần thai thứ 26, các bác sĩ phát hiện cổ tử cung của chị Linh ngắn dần và tiếp tục giảm, do đó đã can thiệp bằng phương pháp đặt vòng nâng cổ tử cung dự phòng, hẹn tái khám kiểm tra cơn gò sớm hơn.

Ở tuần thai 28, chị Linh có dấu hiệu đau bụng có ra ít máu âm đạo, chẩn đoán dọa sinh non, phải nhập viện để dưỡng thai, tiêm thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi cho song thai và sử dụng thuốc giảm cơn gò.

Lần thứ 3 chị Linh bị dọa sinh non vào tuần thai 31-32, được các bác sĩ cấp cứu, dưỡng thai thành công. Song thai được nuôi đến tuần 38.

Cuối tháng 7, hai bé trai khỏe mạnh chào đời bằng phương pháp sinh mổ chủ động, cân nặng tương đương, một bé gần 3kg. Hiếm muộn nhiều năm, thất bại nhiều lần làm IVF, lần đón hai con trai khỏe mạnh chào đời với tuổi thai và cân nặng tốt là niềm hạnh phúc lớn của chị H.

Dưỡng thai cho những trường hợp song thai là một thách thức đối với các bác sĩ sản khoa bởi các nguy cơ luôn thường trực. Ở trường hợp chị L., chúng tôi đặt mục tiêu là dưỡng thai đến 34 tuần nhưng cuối cùng đã nuôi thành công đến 38 tuần. Hai bé và mẹ đều khỏe mạnh “mẹ tròn con vuông” đây là thành quả đạt được ngoài mong đợi nhờ sự phối hợp liên chuyên khoa giữa IVF, Trung tâm Sản Phụ khoa và Trung tâm Sơ sinh.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Bình Lụa