Hà Giang nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Hà Giang có 90% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều dân tộc còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn dẫn đến những hệ lụy đối với gia đình và xã hội. Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã, đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi hủ tục này.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ xã Chí Cà, huyện Xín Mần về thôn Chí Cà Hạ để tuyên truyền, vận động người dân không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Cán bộ xã Chí Cà, huyện Xín Mần về thôn Chí Cà Hạ để tuyên truyền, vận động người dân không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Trước kia, xã Sủng Thài, huyện Yên Minh năm nào cũng có từ năm đến 10 cặp tảo hôn. Vốn là địa bàn sinh sống của 100% đồng bào H’Mông, cho nên lãnh đạo xã luôn xác định công tác tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là việc làm thường xuyên, lâu dài. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân được chú trọng. Hầu hết nội dung trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn hay các buổi sinh hoạt của tổ chức hội, đoàn thể đều lồng ghép nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bí thư Đảng ủy xã Sủng Thài Vàng Khái Sèng chia sẻ, điểm mấu chốt để đẩy lùi nạn tảo hôn là đội ngũ cán bộ cơ sở phải nắm chắc địa bàn để phát hiện và can thiệp kịp thời. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến trong việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở xã vùng cao Sủng Thài đã có sự chuyển biến tích cực, số vụ tảo hôn giảm dần, không còn hôn nhân cận huyết thống.

Từ năm 2022, thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, các xã trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát và nhận diện những hủ tục cần xóa bỏ, trong đó có nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Theo đó, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cho đến phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ. Hầu hết các thôn, xóm ở các xã vùng cao đã xây dựng hương ước, quy ước về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gắn liền với các hình thức xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm, thậm chí đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình triển khai, tỉnh cũng duy trì 17 mô hình phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở những địa bàn trọng điểm. Tại những nơi triển khai mô hình đã thành lập các câu lạc bộ "Phòng chống tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống", thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Điển hình như tại Trường Nội trú trung học cơ sở-trung học phổ thông huyện Yên Minh, các lớp học thành lập câu lạc bộ "Tiền hôn nhân". Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn theo các chủ đề, như: Diễn đàn học sinh với vấn đề tảo hôn; thanh niên với sức khỏe sinh sản vị thành niên; tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình.

Hằng năm, trường cũng tổ chức các hội thi về chủ đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhằm giúp học sinh có thêm trải nghiệm thực tế, đồng thời ký cam kết không vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình giữa bốn bên: Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, học sinh, gia đình. Từ các hoạt động này, nhận thức của học sinh trong trường được nâng lên. Kết quả, những năm gần đây, trường không có tình trạng học sinh bị bố mẹ ép bỏ học về nhà lấy chồng, lấy vợ.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương trong tỉnh cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 5.200 cuộc cung cấp thông tin về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho hơn 466.000 lượt người tham gia; tổ chức hàng nghìn buổi tư vấn hôn nhân, can thiệp hòa giải về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Từ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Hà Giang đã giảm đáng kể. Năm 2017, tỉnh có 5.818 cặp kết hôn, trong đó có tới 424 cặp tảo hôn, hai cặp hôn nhân cận huyết thống thì đến năm 2023, tỉnh có 6.506 cặp kết hôn, có 176 cặp kết hôn tảo hôn và chỉ còn một cặp hôn nhân cận huyết thống.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Trần Đức Nghĩa cho biết: Mặc dù tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm, nhưng do tập tục này đã tồn tại trong cộng đồng từ lâu đời cho nên không dễ xóa bỏ ngay. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân vẫn cần được cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì, thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai hiệu quả các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.