Nhân dịp này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ những đánh giá nổi bật về kỳ họp cũng như những đề xuất giúp các luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống.
Theo đại biểu Hà, Kỳ họp thứ 8 đã có nhiều đổi mới trong chương trình, nội dung, điều hành, đặc biệt là trong việc thảo luận, tranh luận để làm rõ các vấn đề quan trọng.
Với 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, đoàn kết, dân chủ, kỳ họp đã thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
"Điểm nhấn quan trọng tại kỳ họp lần này là công tác lập pháp. Quốc hội đã thông qua nhiều luật và nghị quyết có tác động sâu rộng, đặc biệt là các dự án luật có liên quan đến các ngành, lĩnh vực đang rất cần thiết và được cử tri quan tâm. Công tác chuẩn bị cho các dự án luật được thực hiện rất kỹ lưỡng, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra", đại biểu Hà đánh giá.
![]() |
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội tại phiên bế mạc. (Ảnh: DUY LINH) |
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nhiều chủ trương quan trọng, trong đó đáng chú ý có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, đặt mục tiêu năm này là "năm tăng tốc, bứt phá". Các vấn đề về công tác nhân sự cũng được triển khai nghiêm túc, bảo đảm đúng quy trình, dân chủ và khách quan.
Quốc hội cũng thông qua các chủ trương như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2030, dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương…
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tham gia thảo luận, góp ý về các dự án luật và nghị quyết. Đại biểu Hà cho biết, bản thân bà và các đại biểu của tỉnh đã tích cực tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật Địa chất và Khoáng sản.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Đặc biệt, bà Hà đề nghị cần có biện pháp, cơ chế xử lý những bất cập về quy định quản lý di tích có địa bàn phân bổ từ hai tỉnh trở lên, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
"Tôi rất vui khi những ý kiến, nội dung tham gia của tôi và nhiều đại biểu Quốc hội khác đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung trong luật sửa đổi lần này", bà Thu Hà cho biết.
Để các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đi vào cuộc sống và thực hiện hiệu quả, đại biểu Hà đề xuất cần có sự đồng bộ trong tổ chức triển khai. Bà nhấn mạnh, cần tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền về các luật được thông qua ngay sau kỳ họp, đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước ban hành kịp thời các văn bản dưới luật.
"Chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội nghị tại địa phương để làm rõ hơn về những điểm mới trong các luật, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương và cử tri hiểu rõ trách nhiệm được giao, từ đó bảo đảm tiến độ và yêu cầu trong việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội", đại biểu Hà chia sẻ.