Nỗ lực cứu lúa, hoa màu bị ngập, úng

Những ngày đầu tháng 9, nhiều địa phương ở phía bắc chịu ảnh hưởng của mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm bơm Quán Chuột, xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định (Nam Định) bơm tiêu nước cứu cây trồng.
Trạm bơm Quán Chuột, xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định (Nam Định) bơm tiêu nước cứu cây trồng.

Mưa lớn khiến hàng trăm nghìn héc-ta lúa, hoa màu bị ngập, úng, dập nát. Hiện nay, chính quyền các địa phương và bà con nông dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu những diện tích lúa, hoa màu ngập úng nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17 giờ ngày 13/9, mưa lớn khiến 190.286 ha lúa ở khu vực Bắc Bộ bị ngập, trong đó diện tích ngập trắng là 7.482 ha, diện tích sâu nước 182.804 ha; hơn 28.500 ha hoa màu và cây trồng khác bị gãy, đổ, dập nát.

Khẩn trương tranh thủ thu hoạch lúa chín

Hà Nam là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề về sản xuất nông nghiệp trong đợt mưa lớn vừa qua. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 10.868 ha lúa bị đổ và hơn 400 ha rau màu bị dập nát. Đến nay, tranh thủ nước lũ rút đến đâu cơ quan chức năng và bà con nông dân khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa đã chín với khoảng 50-60%.

Tranh thủ trời tạnh ráo, hiện nay bà con nông dân các xã ở huyện Kim Bảng đã thu hoạch được gần 500 ha lúa nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn gây ra. Bà Phạm Thị Tập, xã Tượng Lĩnh cho biết: “Vụ sản xuất này, gia đình tôi cấy hơn một mẫu ruộng, nhưng sau bão số 3 bị ngập và đổ phần lớn. Mấy ngày nay, chúng tôi ra đồng buộc những diện tích còn xanh và diện tích nào chín được 60% thì thu hoạch”.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17 giờ ngày 13/9, mưa lớn khiến 190.286 ha lúa ở khu vực Bắc Bộ bị ngập, trong đó diện tích ngập trắng là 7.482 ha, diện tích sâu nước 182.804 ha; hơn 28.500 ha hoa màu và cây trồng khác bị gãy, đổ, dập nát.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân Đỗ Thị Thu Hòa cho biết: “Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, ngay sau bão, chúng tôi đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo đơn vị chức năng và khuyến cáo nhân dân tập trung khôi phục sản xuất, chăm sóc cây trồng, nhất là với diện tích lúa vụ mùa đến thời kỳ thu hoạch, tập trung rút nước đệm trên mặt ruộng; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tranh thủ thời tiết khẩn trương thu hoạch.

Còn với diện tích chưa chín bị đổ và ngập nước, chúng tôi hướng dẫn bà con khẩn trương buộc lúa càng sớm càng tốt tránh để bị thối, mọc mầm trên cây...”.

Tại tỉnh Bắc Ninh, hiện còn 7.114 ha lúa ở khu vực trong đồng bị đầy nước, nhiều nhất là các địa phương như: Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du… Tại bãi sông ngoài đê, mực nước các sông: Cầu, Thái Bình, Đuống dù đã hạ một mức báo động song vẫn khiến hơn 1.450 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị úng ngập hoàn toàn. Nhiều hộ gia đình ngoài vùng đất bãi bị thất thu nặng do ảnh hưởng của mưa, bão.

Chị Vũ Thị Liễu, ở thôn Gốm, xã Cao Đức, huyện Gia Bình chia sẻ: “Gia đình tôi có năm mẫu dưa hấu trồng trên đất bãi. Bão số 3 đã làm ảnh hưởng một phần. Nhưng sau bão, nước sông dâng nhanh khiến toàn bộ diện tích dưa hấu bị ảnh hưởng nặng. Tiếc 5 mẫu dưa chỉ còn 10 ngày nữa đến kỳ thu hoạch, gia đình tôi đã huy động họ hàng, người thân ra hái để bán với hy vọng vớt vát lại được chút tiền nhưng cũng không bán được”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Vụ mùa năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy 70.761 ha lúa mùa và trồng 8.800 ha cây hoa màu. Khi các trà lúa mùa đang trong thời kỳ làm đòng và trổ bông, rau màu chuẩn bị cho thu hoạch, ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 3, từ ngày 9-11/9, trên địa bàn có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 300 mm, có nơi xấp xỉ 500 mm.

Cùng với đó, mực nước lũ ở các sông như: Đào, Ninh Cơ, Hồng dâng cao cho nên rất khó khăn để tiêu úng những diện tích lúa và hoa màu. Theo thống kê, đến chiều ngày 13/9, tỉnh Nam Định có hơn 36.000 ha lúa bị ngập và 3.800 ha rau màu bị thiệt hại; ước thiệt hại khoảng 487,25 tỷ đồng”.

Mặc dù vậy, ở nhiều địa phương, việc bơm tiêu, thoát nước cứu lúa, hoa màu đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, từ ngày 11-13/9, do ảnh hưởng của mưa lớn ở thượng nguồn và triều cường, mực nước các sông lên cao, nhiều khu vực mực nước đã vượt mức báo động 2 và 3 ảnh hưởng đến việc vận hành các công trình thủy lợi tiêu úng.

Nhiều địa phương và các hệ thống liên tỉnh lớn đã phải dừng các trạm bơm do mức nước sông ngoài vượt ngưỡng quy định. Trong đó, hệ thống Bắc Nam Hà phải dừng bơm 7/12 trạm bơm đầu mối từ 11/9 và dừng toàn bộ các trạm bơm ngày 12/9; đến sáng ngày 13/9 đã vận hành lại được 3/12 trạm bơm.

Hệ thống Bắc Đuống dừng bơm tiêu vào kênh Ngũ Huyện Khê từ 13 giờ ngày 11/9 và hiện vẫn đang phải tạm dừng bơm; hệ thống sông Nhuệ cũng dừng bơm tiêu nước vào hệ thống từ 11/9 đến nay; hệ thống Bắc Hưng Hải dừng tiêu nước vào hệ thống từ ngày 11/9 và vận hành linh hoạt để tranh thủ tiêu nước trong nội đồng. Ngoài ra, một số địa phương khác như:

Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên… cũng phải dừng nhiều trạm bơm tiêu nước do mực nước sông ngoài cao. Như tại tỉnh Bắc Ninh, các trạm bơm ra sông Cầu do nước sông đang ở mức cao xấp xỉ cao trình bể xả, vì vậy, các trạm bơm như: Trạm bơm Vọng Nguyệt, Phấn Động, Phù Cầm… đang phải chờ mực nước rút mới tiếp tục bơm tiêu.

Tập trung cao độ tiêu úng cho cây trồng

Theo Trưởng phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu (Cục Thủy lợi) Nguyễn Mạnh Hùng: “Để tiêu thoát nước cho cây trồng, đến 17 giờ ngày 13/9 các địa phương khu vực Bắc Bộ đang vận hành 253 trạm bơm và mở 102 cống để tiêu nước. Hiện nay, công tác vận hành tiêu úng đang được tập trung cao độ với dự báo chỉ có mưa nhỏ và lũ đang xuống nhanh, tình trạng ngập úng ở vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ dần được giải quyết trong hai đến ba ngày tới”.

Chi cục trưởng Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Duy Khảm cho biết: “Nhận định bão số 3 có nguy cơ gây úng ngập nhiều diện tích lúa, hoa màu nên từ khi bão mới hình thành, Chi cục chỉ đạo các công ty thủy nông trên địa bàn chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm tiêu úng, thoát nước kịp thời bảo vệ lúa, hoa màu.

Ngành nông nghiệp chủ động vận hành tối đa các trạm bơm tiêu nước đệm trong đồng, huy động 100% công nhân ứng trực, sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu; xây dựng kế hoạch ứng phó khi có mưa lớn kéo dài gây ngập nhà trạm, nhà điều hành bảo đảm cho các trạm bơm vận hành liên tục”. Đáng chú ý, trong thời điểm diễn ra mưa bão, tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời xử lý, khắc phục các sự cố, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các trạm bơm.

Tại khu vực bể xả trạm bơm Văn Thai xuất hiện sự cố, lực lượng chức năng đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và xung kích của địa phương để xử lý, bảo đảm an toàn. Chính vì vậy, sau bão số 3, toàn tỉnh có 13.000 ha lúa bị đầy nước nhưng đến nay diện tích giảm còn hơn 7.000 ha. Hiện nay, toàn tỉnh có 156/487 máy bơm đang bơm tiêu thoát nước để cứu những diện tích lúa, hoa màu ngập úng. Trạm bơm tiêu Phú Lâm 1, xã Phú Lâm (huyện Tiên Du) đang nỗ lực vận hành tám tổ máy, lưu lượng 2.800 m3/tổ máy/giờ đảm nhiệm tiêu nước cho 680 ha đất canh tác, dân sinh của xã Phú Lâm, thị trấn Lim. Cụm trưởng Thủy nông Phú Lâm Nguyễn Văn Thiện chia sẻ:

“Do chủ động bơm tiêu nước đệm, rút kiệt nước từ trong đồng ra sông nên mặc dù mưa với lưu lượng lớn, một số thời điểm, nguồn điện phục vụ hoạt động của trạm bơm bị gián đoạn nhưng 100% diện tích lúa trong lưu vực phục vụ của trạm bơm không bị ngập úng. Số ít diện tích bị đầy nước đã được khắc phục, hiện sinh trưởng, phát triển tốt”.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Hiện các địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung huy động mọi lực lượng, phương tiện để bơm tiêu úng cứu lúa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng và giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo bà con nông dân đối với diện tích đã trổ bông bị đổ, cần buộc, dựng (buộc từ 3 đến 4 khóm/cụm) để cây đứng và tạo điều kiện cho lúa vào chắc, chín.

Những diện tích lúa đang làm đòng, chuẩn bị trổ bông cần khoanh vùng và ưu tiên tiêu thoát nước kịp thời không để thời gian ngập đòng lâu, tránh thối đòng. Với rau màu, những diện tích không có khả năng phục hồi, sau khi nước rút tiến hành thu gom tiêu hủy, vệ sinh đồng ruộng; chủ động gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày như rau ăn lá nhằm cung cấp kịp thời cho thị trường.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phân công cán bộ tăng cường về cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và khắc phục hậu quả thiên tai; chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tổ chức đánh giá, thống kê thiệt hại, tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Trương Quốc Hưng cho rằng: “Tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại cho cây trồng; cố gắng rút mực nước xuống dưới cổ bông, cổ đòng cho cây lúa.

Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ có thể cho thu hoạch khuyến cáo bà con nông dân cần tập trung thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ đông. Mặt khác, những diện tích làm đòng, chuẩn bị trổ cần dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo, phun bổ sung phân bón lá kali để cây lúa phục hồi, đứng nhanh và thúc đẩy lúa trổ thoát”.