Ninh Thuận tăng cường phòng, chống cháy rừng

NDO - Đang là cao điểm mùa khô năm nay, hiện cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ở cấp IV, cấp nguy hiểm, các cơ quan chức năng liên quan đang triển khai nhiều biện pháp để công tác phòng, chống cháy rừng có hiệu quả như mong muốn.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ kiểm lâm được điều động, bổ sung về cơ sở triển khai kế hoạch phòng, chống cháy rừng tại các chốt.
Cán bộ kiểm lâm được điều động, bổ sung về cơ sở triển khai kế hoạch phòng, chống cháy rừng tại các chốt.

Trời nắng nóng kéo dài hơn 3 tháng qua, khiến nhiều diện tích rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt-Sông Trâu quản lý (địa bàn 2 huyện Bác Ái và Thuận Bắc) ngày càng trơ trọi vì lá rụng nhiều. Hệ thực vật bậc thấp khô héo, tạo thành thảm thực bì dưới đất rất dễ bén lửa.

Chủ động phương án phòng, chữa cháy rừng

Nhằm chủ động để tránh thiệt hại khi xảy ra cháy rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt-Sông Trâu (Ban quản lý) đã thành lập Ban chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với 10 thành viên; thành lập 12 tổ trực/61 thành viên, phân công trực chiến theo cấp dự báo cháy rừng tại các điểm trực phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cùng với đó, đã củng cố, kiện toàn 20 chốt trực của 28 tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng và 2 tổ nhận khoán bảo vệ rừng do Công an huyện Bác Ái và Công an huyện Thuận Bắc đảm nhận.

Ninh Thuận tăng cường phòng, chống cháy rừng ảnh 1

Tăng cường lực lượng tại các điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

Anh Chamalés Nhay, Tổ trưởng Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Tập Lá, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc chia sẻ: “Tổ có 30 thành viên luân phiên trực chốt phòng cháy, chữa cháy cháy rừng 24/24, các dụng cụ được chuẩn bị đầy đủ, nên hoàn toàn chủ động khi phát hiện có lửa cháy sẽ kịp thời dập tắt ngay”.

Ngay từ đầu mùa khô, Tổ cộng đồng bảo vệ rừng đã ra quân phát quang, tạo các đường băng cản lửa, tuyên truyền, vận động bà con tự giác không sử dụng lửa khi đi làm nương, rẫy gần rừng, nhằm ngăn chặn xảy ra cháy rừng.

Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt-Sông Trâu Nguyễn Văn Hiến cho biết, đơn vị quản lý hơn 39,3ha rừng, thuộc 11 xã của 3 huyện Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Sơn.

Phần lớn, diện tích rừng ở đây nằm xen kẽ với nương rẫy của người dân, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.

Phần lớn, diện tích rừng ở đây nằm xen kẽ với nương rẫy của người dân, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn, đơn vị đã triển khai biện pháp luân phiên tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh với các xã, huyện, hầu hết các trạm bảo vệ rừng và các Tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng đều triển khai quyết liệt.

Với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, nhân viên không chủ quan, lơ là trước diễn biến nắng nóng ngày càng gay gắt, các trạm, chốt trực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn luôn sẵn sàng lực lượng ứng phó trực chiến; qua đó, nắm bắt và chấn chỉnh kịp thời công tác kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với viên chức bảo vệ rừng theo quy chế hoạt động của Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng trên lâm phần được khoán bảo vệ.

Nghiêm cấm sử dụng lửa

Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận Lê Minh Sang cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 15 điểm cháy trong rừng (tại các huyện Thuận Nam, Ninh Sơn và Bác Ái), hiện trạng cháy lan ra mặt đất, chủ yếu cháy trảng cỏ, cây bụi, không ảnh hưởng lớn đến cây rừng, không gây thiệt hại đến diện tích rừng.

Các điểm cháy đều được lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, cộng đồng nhận khoán chữa cháy kịp thời và công tác ngăn chặn các điểm cháy bùng phát trở lại rất hiệu quả.

“Với diễn biến nắng nóng gay gắt hiện nay, có khả năng cấp dự báo cháy tăng lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), Chi cục đã thông báo sâu rộng đến từng thôn, xã và người dân việc nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng cũng như đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy.

Ninh Thuận tăng cường phòng, chống cháy rừng ảnh 2

Kiểm lâm địa bàn và thành viên các Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng triển khai phát quang, tạo các đường băng cản lửa.

Ninh Thuận là một trong 26 tỉnh, thành phố trên cả nước nhận được chỉ đạo của Tổng Cục lâm nghiệp về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trước biến đổi khó lường của thời tiết”, ông Lê Minh Sang nói.

Qua số liệu thống kê các điểm cháy rừng hằng năm, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy trong thời gian tới gồm: Các lâm phần trên địa bàn xã Ma Nới; các tiểu khu 103a, 103b, 105b, 106a, xã Hòa Sơn; tiểu khu 62, 63, 65, xã Lâm Sơn; tiểu khu 85, 91 xã Quảng Sơn thuộc huyện Ninh Sơn.

Các tiểu khu 584, 64, 54, xã Phước Tiến; tiểu khu 89, xã Phước Trung; tiểu khu 39, 430, 47a, 60s, 60b, 76a, xã Phước Đại; tiểu khu 76b, 82b, 83, 87, xã Phước Chính, huyện Bác Ái.

Trên địa bàn huyện Thuận Nam gồm: Tiểu khu 188, 189, 196, 199, 2025, xã Phước Hà và các khu vực rừng trồng tập trung trên các lâm phần của các đơn vị chủ rừng; các khu rừng thông, rừng hỗn giao tre nứa.

Để bảo đảm công tác phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường kiểm lâm viên xuống các vùng trọng điểm về cháy rừng khảo sát, nắm tình hình để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với điều kiện của từng vùng, phát động phong trào sâu rộng, kêu gọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Riêng lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh để theo dõi thường xuyên thông tin cảnh báo cháy rừng qua dữ liệu ảnh vệ tinh và thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm, nhằm phát hiện sớm điểm cháy rừng chính xác để triển khai biện pháp dập lửa.

Nhiệt độ vào mùa khô tại Ninh Thuận luôn ở mức 38-39OC, nhưng với việc chủ động các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống đã và đang triển khai, hy vọng nếu có xảy ra các trường hợp cháy rừng thì thiệt hại cũng chỉ dừng lại ở mức không đáng kể và kịp thời dập tắt.