Hiện tại, dự báo cháy rừng tại huyện Bác Ái và Ninh Sơn đã tăng lên cấp 4. Các huyện còn lại như: Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải cũng đã nằm ở mức dự báo tăng lên cấp 3.
Bám rừng 24/24 giờ
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Trần Ngọc Hiếu, cho biết: Ngay từ đầu mùa khô (từ tháng 12/2023 đến đầu năm 2024), ngành đã huy động lực lượng triển khai thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu cử cán bộ, nhân viên tăng cường đủ 100% quân số, phối hợp với các tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng dựng lán trại tại các vùng giáp ranh để phòng cháy rừng và ngăn chặn nạn phá rừng. |
Mấy tháng qua, tại huyện Bác Ái đã thành lập nhiều chốt bảo vệ rừng; chốt phòng cháy, chữa cháy rừng và được Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu cử cán bộ, nhân viên tăng cường đủ 100% quân số, phối hợp với các tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng dựng lán trại, chuẩn bị dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng và đồng loạt ra quân phát quang, tạo các đường băng cản lửa,… sẵn sàng dập tắt đám cháy ngay khi phát hiện.
Từ đầu mùa khô, các thành viên Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng nhóm hộ 2, thôn Tà Lú, xã Phước Đại, huyện Bác Ái thường xuyên phân công thành viên đi tuần tra, kiểm soát việc ra, vào rừng của người dân, đồng thời chủ động các biện pháp phòng ngừa trên vùng rừng do tổ quản lý.
Ông Chamaléa Liên, chia sẻ: “Nay, đồng bào Raglai đã nhận thức được giá trị mà rừng đem lại, nên rất tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng ở địa phương. Vào mùa khô hanh, bà con trong làng rất cẩn thận khi dùng lửa trong rừng và gần rừng, tình trạng dùng lửa đốt nương làm rẫy giảm nhiều”.
Các tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận lập chốt bảo vệ rừng để kiểm soát người dân khi ra, vào rừng hằng ngày. |
Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu Nguyễn Văn Hiến, cho biết, đơn vị quản lý hơn 39,3ha rừng trên địa bàn 11 xã thuộc các huyện Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Sơn. Do phần lớn diện tích rừng nằm xen kẽ với nương rẫy của người dân, nên đơn vị luôn bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh 24/24 giờ.
Tại huyện Thuận Nam, nắng nóng gay gắt hơn. Lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam cho biết, lớp thực bì dưới mặt đất ngày càng đóng dày hơn khi hầu hết cây rừng đã rụng hết lá. Đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường nhân viên trạm, cảnh sát cơ động, bộ đội biên phòng, kiểm lâm… liên tục phát dọn cỏ, cây bụi… đồng thời, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa và những hành vi dùng lửa khác để bảo đảm hiệu quả công tác phòng cháy rừng vào thời kỳ cao điểm của mùa khô năm nay.
Các lực lượng bảo vệ rừng ở Ninh Thuận triển khai phát quang, tạo các đường băng cản lửa trong rừng để hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy rừng. |
Kết hợp ngăn chặn phá rừng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh đã xảy ra bốn điểm cháy rừng, chủ yếu trong khu rừng tự nhiên. Tuy nhiên, nhờ chủ động trong công tác, nên khi phát hiện có điểm cháy, lực lượng chuyên trách cùng chủ rừng đã tiếp cận hiện trường và kịp thời dập lửa, nên thiệt hại ít.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã bố trí 107 điểm/500 người thường xuyên trực tại các trạm, chốt các cửa rừng, vừa triển khai các biện pháp phòng cháy vừa tổ chức 162 đợt kiểm tra, truy quét, đã phát hiện 22 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật,…
Lực lượng kiểm lâm triển khai chuẩn bị các dụng cụ chữa cháy lưu động và tổ chức tuần tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến phức tạp của thời tiết để ứng phó kịp thời khi phát hiện xảy ra cháy rừng |
Lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh và các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, đồng thời vận động bà con ký cam kết không vi phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng… Qua đó, người dân ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ, phòng , chữa cháy rừng.
Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, các đơn vị chủ rừng, người dân sống gần rừng…thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại trang điện tử kiemlam.org.vn để nắm bắt tình hình và chủ động công tác phòng ngừa.
Cùng với đó, là sự phối hợp thông tin nhanh khi người dân phát hiện xảy ra cháy rừng cho Cục Kiểm lâm để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết
Lực lượng bảo vệ rừng và người dân sống tại các vùng gần rừng luôn phối hợp trao đổi thông tin để nâng kịp thời hỗ trợ, nâng cao hiệu quả ứng phó với thời tiết nắng nóng để bảo vệ rừng |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp trong chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng để hỗ trợ nhân lực, phương tiện chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Trần Ngọc Hiếu chia sẻ: “Mùa khô tại Ninh Thuận ngày càng khắc nghiệt và diễn biến phức tạp, nên việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chữa cháy rừng là cấp bách và thường xuyên. Đến thời điểm này, công tác ứng phó đã lan tỏa toàn tỉnh, hy vọng sẽ giảm thiểu thiệt hại nếu có xảy ra cháy rừng”.