Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Bình tới dự.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Ninh Bình có 235 nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hơn 16.000 người anh dũng hy sinh, được công nhận là anh hùng liệt sĩ. Hơn 1.200 bà mẹ được công nhận là Mẹ Việt Nam anh hùng. Gần 8.000 thương binh, 7.000 bệnh binh, 740 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa.
Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình trong những năm qua thực hiện tốt chính sách "Đền ơn đáp nghĩa" như: Tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng về xác nhận đối tượng người có công, nhất là các tồn tại về hồ sơ đề nghị cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" theo Thông tư số 16 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Hiện nay, Ninh Bình không còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhiều chế độ chính sách khác được bổ sung kịp thời như: Chính sách miễn giảm thuế; tạo điều kiện vay vốn trong phát triển sản xuất; chính sách ưu tiên cho con em người có công trong giáo dục, đào tạo, học nghề, tạo việc làm.
Đến nay, Ninh Bình thực hiện đào tạo nghề cho 233 người là con liệt sĩ, con thương binh nặng; sau học nghề đã bố trí việc làm đạt tỷ lệ hơn 80%. Tỉnh thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở cho hơn 2.000 hộ chính sách với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng; xây dựng mới, sửa chữa 276 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; tặng 141 sổ vàng tiết kiệm tình nghĩa trị giá 143 triệu đồng cho người có công. Đặc biệt, tỉnh đã vận động, đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" đạt hơn 31 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Bình trao tặng bằng khen cho 13 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" giai đoạn 2017-2022.