Ninh Bình quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn

Ngày 22/5, Tỉnh ủy Ninh Bình phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học là cơ hội để các đồng chí học viên được tiếp cận với những thông tin mới, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giúp cho các đồng chí vận dụng và tổ chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Lớp học là cơ hội để các đồng chí học viên được tiếp cận với những thông tin mới, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giúp cho các đồng chí vận dụng và tổ chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Tới dự có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Khai giảng lớp bồi dưỡng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, đây là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đi vào thực tế của tỉnh Ninh Bình.

Lớp học có 20 chuyên đề, đều là những vấn đề mới, cập nhật liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, phát triển nguồn nhân lực, quản lý phát triển địa phương, những điểm mới trong định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình.

Ninh Bình quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng.

Các nội dung của lớp học bao quát, có tầm nhìn bám sát đối tượng là các đồng chí cán bộ chủ chốt dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, vì vậy lớp học không chỉ cập nhật những phần lý luận mới của Đảng, sự phát triển của thế giới mà còn liên hệ thực tiễn của tình hình trong nước, của tỉnh Ninh Bình, giúp cho các đồng chí vận dụng và tổ chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại lớp học, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ đã được Đảng ta khẳng định nhất quán ở mọi thời kỳ. Lớp học này có ý nghĩa quan trọng chuẩn bị nguồn cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2025-2030.

Đồng chí đề nghị, các đồng chí học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia học tập nghiêm túc, tích cực trao đổi làm rõ những nội dung chưa hiểu, chưa rõ, bảo đảm từng đồng chí học viên đều nắm vững những nội dung mà giảng viên trình bày.

Thường trực Tỉnh ủy sẽ trực tiếp đọc, cho ý kiến đánh giá, nhận xét về thu hoạch của mỗi đồng chí học viên, thông qua đó góp phần phát hiện, đánh giá chất lượng, phân hóa trình độ tư duy của mỗi cán bộ nguồn chuẩn bị cho nhiệm kỳ đại hội tới; nhất là những đề xuất, kiến nghị có giá trị đột phá, ý tưởng khác biệt để ứng dụng vào hoàn thiện các chủ trương, chính sách, đề án phát triển Ninh Bình hướng tới mục tiêu năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Ninh Bình quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn ảnh 2

Lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh năm 2024 đạt được kết quả cao sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng cho quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh Ninh Bình.

Lớp học có 89 học viên là các đồng chí cán bộ dự nguồn cấp tỉnh. Từ ngày 22/5 đến 11/6, các học viên sẽ được truyền đạt với nhiều nội dung quan trọng như: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0; tầm nhìn, mục tiêu và định hướng phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI và vận dụng vào thực tiễn phát triển ở địa phương; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, liên kết vùng giữa Ninh Bình với các tỉnh thành khác trong giai đoạn hiện nay; kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay; kinh nghiệm xử lý tình huống chính trị trong lãnh đạo, quản lý ở địa phương cơ sở;...

Sau lớp học này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình tiếp tục tham mưu tổ chức các lớp cập nhật kiến thức chuyên sâu trên những vấn đề mới của tỉnh như: Quản trị địa phương, đô thị và quản lý đô thị di sản, phát triển kinh tế di sản - kinh tế thương hiệu, phát triển công nghiệp văn hóa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị, nông nghiệp đô thị, chế độ học tập suốt đời và quản trị tri thức, đạo đức công vụ và quản trị bản thân, bản sắc văn hóa và giá trị cốt lõi của con người Ninh Bình,... để tăng cường năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý, phát huy nội lực, hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững.